MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhiều thách thức với hoạt động Fintech và ngân hàng số

Trí Minh LDO | 10/12/2022 16:25

Thị trường công nghệ tài chính (Fintech) và ngân hàng số tại Việt Nam chứng kiến nhiều bước tiến mạnh mẽ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra trong công tác quản lý, đảm bảo an toàn hệ thống trong lĩnh vực này. 

Vẫn còn nhiều rủi ro mà hoạt động Fintech, ngân hàng số phải đối mặt. Ảnh: Thuỳ Trang
Bước tăng trưởng mạnh

Theo ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thị trường Fintech Việt Nam thời gian qua đã chứng kiến tăng trưởng mạnh khi chỉ tính riêng năm 2021, nền kinh tế Internet đạt giá trị 21 tỉ USD, đứng ở vị trí 14/50 ở khu vực Châu Á và vị trí 70 trên bảng xếp hạng toàn cầu.

Fintech Việt Nam đã tăng trưởng đáng kể nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ về việc mở rộng các hình thức thanh toán số cũng như việc áp dụng ngày càng nhiều các giao dịch kỹ thuật số và sự phát triển của thị trường thương mại điện tử.

Dù vậy, theo ông Hoàng Quang Phòng, sự phát triển với tốc độ nhanh chóng của Fintech đã khiến các cơ quan quản lý của các quốc gia đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong công tác quản lý, giám sát do những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố, rủi ro liên quan tới an ninh, an toàn, bảo mật thông tin, sử dụng trái phép thông tin cá nhân.

Còn theo TS Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng tại Việt Nam trong thời gian qua đã được đánh giá là bước vào giai đoạn bùng nổ. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 77,2% về số lượng và 29,8% về giá trị; qua Internet tăng tương ứng 63,2% và 32,3%.

Nhiều ngân hàng Việt Nam chuyển đổi số ở top đầu đã ghi nhận tỉ lệ hơn 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số với tỉ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức tối ưu, chỉ từ 30-40%, phản ánh hiệu quả từ chuyển đổi số, phát triển dịch vụ ngân hàng số.

Đáng chú ý, theo ông Hùng, hiện tại, một số ngân hàng đi nhanh trong phát triển công nghệ như Vietcombank, TPBank, Techcombank, MBBank... đã bước vào giai đoạn thứ hai của chuyển đổi số là sáng tạo số.

Trong thời gian tới, các ngân hàng sẽ áp dụng các công nghệ mới, cập nhật hơn, với việc gia tăng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (Machine Learning), ứng dụng Blockchain, làm chủ dữ liệu và tận dụng sức mạnh của Big Data ngày càng nhiều hơn.

Bên cạnh đó, lĩnh vực Fintech của Việt Nam trong những năm qua cũng đã có những bước tiến đáng chú ý nhờ áp dụng mạnh mẽ các giao thức kỹ thuật số trong kinh doanh. Tuy nhiên, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, sự trỗi dậy mạnh mẽ của các công ty Fintech trong thời gian qua chắc chắn là một thách thức đối với các ngân hàng truyền thống.

Vẫn còn nhiều gian nan

Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Nga - Giám đốc Ngân hàng số, Ngân hàng PVcomBank cũng cho biết về những thách thức chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam.

Cụ thể, trong quá trình chuyển đổi số ở ngân hàng, hầu như toàn bộ hệ thống và phương pháp thực hiện có sự thay đổi, các cán bộ cần có thời gian cập nhật xử lý và làm quen nên đôi khi xảy ra chậm trễ trong giao dịch hoặc lỗi hệ thống. Vấn đề tiếp theo là cơ sở dữ liệu và phân tích, dự báo môi trường kinh doanh… còn thiếu và yếu, dẫn đến các ngân hàng còn gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng trong việc hoạch định chiến lược dài hạn.

Một số rủi ro được người trong cuộc nêu ra như tình trạng đánh cắp thông tin bảo mật để chiếm quyền sử dụng thẻ/tài khoản ngân hàng điện tử; lừa đảo mạo danh ngân hàng... vẫn đang diễn ra phổ biến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn