MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xuất khẩu rau, củ, quả năm 2017 tăng trưởng vượt bậc trên 43,2% so với năm 2016. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Nhiều tín hiệu lạc quan

KHÁNH VŨ - LAN HƯƠNG LDO | 30/12/2017 07:00
Báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế Thế giới (WEF) công bố ngày 27.9.2017 cho thấy, chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã tăng từ 4,31% lên 4,4% năm 2017.

Xếp hạng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam tăng 5 bậc so với năm 2016 và tăng 20 bậc so với 20 năm trước đây. Đánh giá của các chuyên gia kinh tế hàng đầu cũng cho thấy, năm 2017 khép lại với bước tăng trưởng ngoạn mục, tạo đà thuận lợi cho phát triển kinh tế năm 2018. Tuy nhiên, vẫn không ít thách thức, khó khăn trong năm tới.

Tăng trưởng GDP đạt 6,81%, kinh tế vĩ mô bình ổn

Theo số liệu công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước năm 2017 ước tính tăng 6,81% so với năm 2016. Trong đó điểm sáng lớn nhất để đạt mức tăng trưởng vượt mục tiêu là thành công trong phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, sự khởi sắc của hoạt động xuất nhập khẩu cùng sự cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi doanh nghiệp.

Nhận định về kinh tế Việt Nam năm 2017, ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân CTCPCK Sài Gòn (SSI) - cho biết “Năm 2017 tăng trưởng GDP hoàn toàn có thể đạt 6,7% và quan trọng hơn các cân đối vĩ mô đều ở trạng thái tốt”. Lý giải cho nhận định của mình, ông Nguyễn Đức Hùng Linh cho biết: Một minh chứng rõ nhất đó là giá trị xuất siêu 3,2 tỉ USD. Đã từ rất nhiều năm, tăng trưởng GDP luôn song hành cùng nhập siêu do nền sản xuất hàng hóa của Việt Nam kém phát triển nên hầu hết tư liệu sản xuất đầu vào đều phải nhập khẩu.

Theo ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - kinh tế vĩ mô năm 2017 ổn định thể hiện ở lạm phát ổn định ở mức thấp; tăng trưởng kinh tế khá và đang xu hướng được cải thiện; đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh; cán cân thanh toán thặng dư gần như liên tục...; dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng cao, năm 2017 đạt kỷ lục 45 tỉ USD; chỉ số hoán đổi rủi ro tín dụng quốc gia (CDS) giảm, phản ánh niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào kinh tế Việt Nam tăng lên.

TS Lưu Bích Hồ cũng đánh giá cao về tăng trưởng kinh tế 2017: Lần đầu tiên sau nhiều năm, đã hoàn thành 13 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội do Quốc hội đề ra, tốc độ tăng trưởng GDP khởi sắc, đạt 6,7% nhờ sự đóng góp khá đồng đều ở cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Đặc biệt, thị trường chứng khoán tăng trưởng ấn tượng (khoảng 50%), là một trong hai nước tăng cao nhất trong các thị trường ở Châu Á, tỉ lệ vốn hóa đạt mức kỷ lục gần 70% GDP. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh được cải thiện đáng kể, cải cách thể chế có bước tiến ấn tượng…

Những kỳ vọng và thách thức trong năm 2018

HSBC vừa công bố báo cáo về triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam với nhiều nội dung đáng chú ý. Theo dự báo của HSBC thì cụm từ “tăng trưởng cao, lạm phát thấp” mà chúng ta thấy trên toàn cầu năm 2017 có thể sẽ chuyển thành “tăng trưởng ổn định, lạm phát cao” ở Việt Nam.

Thành công của 2017 mới chỉ là sự khởi đầu. Trước mắt nhiều điểm nghẽn đã được nhận diện và cần phải xử lý nhanh để tạo đà cho tăng trưởng cao các năm tiếp theo. Ghi nhận những thành quả đạt được trong năm 2017 giúp chúng ta tự tin hơn với hướng đi hiện tại để tiếp tục tiến nhanh hơn về phía trước.

“Nói như vậy không có nghĩa thành công không đi cùng với những cái giá phải trả”, ông Linh nói. Theo chuyên gia kinh tế PGS-TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - tăng trưởng GDP hằng năm có vẻ tốt, nhưng tăng trưởng dài hạn có vấn đề. GDP tăng trưởng cao (6,5%/năm) nhưng nền kinh tế vẫn “chậm lớn”.

Tất cả bởi nợ công tăng 5%/năm; tín dụng tăng 15-18%/năm trong khi lãi suất, chi phí logistic, chi phí giao dịch gần như cao nhất thế giới… Thể trạng của khu vực kinh tế trong nước vẫn yếu, hầu hết các DN chưa hồi phục lại được mức trước khủng hoảng…

Chuyên gia kinh tế PGS-TS Lê Đình Ân - Nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia - cũng cho rằng, Vinashin, Vinalines trước đây cùng với Tập đoàn dầu khí (PNV), Tập đoàn cao su, Tập đoàn hóa chất… từng được kỳ vọng là những “quả đấm thép” của nền kinh tế.

Thế nhưng hàng loạt những dự án nghìn tỉ thua lỗ “chết không thể chôn”, hàng loạt lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của PVN, Tập đoàn Caosu Việt Nam cùng các Cty thành viên bị khởi tố, rồi “đại gia Vũ Nhôm” với những sai phạm có hệ thống gần đây đã cho thấy các cơ quan Nhà nước, các ngành đã buông lỏng quản lý và không làm tròn chức năng của mình trong thời gian khá dài. Thứ hai là phân cấp chính sách của chúng ta không ổn định và không có cơ chế giám sát, công cụ giám sát của Nhà nước đã bị buông lỏng…

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhận định, bức tranh kinh tế năm mới 2018 đang chờ tỏa sáng nếu chúng ta quyết tâm nỗ lực đẩy lùi trở ngại, vượt qua thách thức, đồng tâm nhất trí tiến lên phía trước, kiên quyết chống tham nhũng và đẩy lùi “vấn nạn thao túng cơ chế, chính sách”.

TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nền tảng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam vẫn dựa trên tăng tổng cầu, bao gồm tăng tiêu dùng, tăng đầu tư và tăng xuất khẩu. Như vậy, tăng trưởng xuất khẩu năm 2018 có thể đạt mức năm 2017 hoặc thấp hơn một chút, song vẫn cao hơn nhiều mức Chính phủ trình Quốc hội.

“Về lạm phát, tương tự năm 2017, dự báo sẽ không có đột biến giá cả. Cũng có thể các điều chỉnh về giá của một số dịch vụ như y tế, giáo dục, điện sẽ là yếu tố chính tác động tới lạm phát ở Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta kiểm soát khá tốt yếu tố cung tiền, yếu tố cơ bản tác động tới lạm phát ở Việt Nam dưới 2% nên tôi cho rằng lạm phát năm 2018 chúng ta vẫn có thể kiểm soát tốt” - TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh cũng cho rằng “Chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan cho tăng trưởng của năm 2018 cũng như các năm về sau nếu những chính sách giúp tạo dựng nên thành công của 2017 được tiếp tục củng cố và phát triển hơn nữa”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn