MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lãnh đạo UBND huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kiểm tra mô hình trồng rau sạch trên địa bàn. Ảnh: Hải Đăng

Nhiều tỉnh Bắc Trung Bộ đặt mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công

NHÓM PV BẮC TRUNG BỘ LDO | 19/01/2024 07:43

Trong năm 2024, các tỉnh Bắc Trung Bộ đã đề ra những giải pháp đồng bộ để khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia, quyết giải ngân kịp tiến độ.

Nhận diện nguyên nhân chậm giải ngân

Năm 2023, mặc dù có nhiều nỗ lực, song hầu hết các tỉnh Bắc Trung Bộ đều xảy ra tình trạng giải ngân các Chương trình mục tiêu quốc gia chậm, không đạt mục tiêu.

Tại Nghệ An, tính đến ngày 31.12.2023, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mới giải ngân được 171,985 tỉ đồng, đạt 27,21%; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giải ngân được 5,21 tỉ đồng, đạt 2,55%.

Đến cuối năm 2023, tại Thanh Hóa, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giải ngân được 259,176 tỉ đồng, bằng 37,6% kế hoạch; chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giải ngân được 223,178 tỉ đồng, bằng 52,6% kế hoạch. Tính hết năm 2023, nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Quảng Trị giải ngân 304,642 tỉ đồng, đạt 82,6% kế hoạch.

Hà Tĩnh và Quảng Bình đều xảy ra tình trạng tương tự. Năm 2023, Quảng Bình được Chính phủ giao hơn 678 tỉ đồng từ nguồn ngân sách trung ương để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 trên địa bàn. Đến nay, tỉ lệ giải ngân của cả 3 chương trình ở tỉnh mới chỉ đạt khoảng 270 tỉ đồng, gần bằng 40% so với kế hoạch được giao. Tại Hà Tĩnh, đến cuối năm 2023, tỉ lệ giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia chỉ đạt 42%.

Các địa phương đều tập trung xác định rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên. Quảng Trị cho rằng nguyên nhân các dự án thuộc nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia có quy mô nhỏ, được tổ chức nghiệm thu khi công trình hoàn thành và phải tập trung ưu tiên giải ngân kế hoạch 2022 được kéo dài.

Theo đại diện Sở KHĐT Nghệ An, đối với các dự án Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và giảm nghèo bền vững, số lượng văn bản ban hành để hướng dẫn triển khai các Chương trình rất nhiều. Trong khi đó, việc ban hành chưa đồng bộ, chưa kịp thời, vừa làm vừa chờ văn bản hướng dẫn, nhất là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là chương trình mới nên các địa phương còn lúng túng. Mặt khác, kế hoạch vốn trung hạn Chương trình mục tiêu quốc gia giao chậm hơn so với các nguồn vốn khác.

Đối với Chương trình giảm nghèo tỉ lệ giải ngân thấp hơn 2 Chương trình còn lại một phần cũng do nguồn nhân lực làm việc tại các Ban quản lý dự án của 4 huyện nghèo còn mỏng, năng lực còn bất cập, hạn chế.

Quyết liệt khắc phục hạn chế, quyết tâm giải ngân đạt tiến độ

Ngày 10.1.2024, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng vừa ký ban hành chỉ thị về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024. Theo đó, tỉnh phấn đấu tỉ lệ giải ngân hằng tháng cao hơn mức trung bình của cả nước; quyết tâm trước ngày 31.12.2024 giải ngân đạt 100% kế hoạch năm 2024 và 100% kế hoạch năm 2023 được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện giải ngân sang năm 2024.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa yêu cầu cơ quan thường trực các Chương trình mục tiêu quốc gia khẩn trương hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và giám sát UBND cấp huyện, các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; kịp thời tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công; xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện, giải ngân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn