MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học chi phí cao nhưng an toàn, đảm bảo tái đàn tốt. Ảnh: Văn Giang.

Nhiều tỉnh tái đàn lợn thành công nhờ “cách ly” virus dịch tả lợn Châu Phi

Long Vũ LDO | 12/03/2020 18:57

Nhờ tái đàn hiệu quả, tổng đàn lợn của cả nước đạt gần 24 triệu con, bằng 74% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Giới thiệu với phóng viên trang trại chăn nuôi lợn quy mô khá lớn với quy trình khép kín trên một khu đồi riêng biệt, bà Cấn Thị Thìn (khu 3, xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) phấn khởi cho biết:

“Do mạnh dạn đầu tư kinh phí để xây dựng khu trại chăn nuôi theo hình thức khép kín “cám vào, lợn ra”, bỏ cách chăn nuôi thủ công trước đây, hiện nay, 160 lợn nái và 1.600 lợn thương phẩm của chúng tôi vẫn đảm bảo an toàn và liên tục gối đàn thành công”.

Bà Cấn Thị Thìn cho biết, mô hình chăn nuôi lợn của gia đình được tổ chức khép kín và cách biệt trên diện tích 30ha đồi rừng. Để virus gây dịch tả lợn Châu Phi không xâm nhiễm vào khu chăn nuôi, gia đình thường xuyên tổ chức phun thuốc sát trùng từ xa, thậm chí bao trùm cả các hộ chăn nuôi khác từ khoảng cách 1-1,5km. Cùng với đó, tiến hành tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine cho đàn gia súc.

Với cách chăn nuôi khoa học như vậy, mỗi tháng hiện nay trang trại của bà Thìn xuất chuồng khoảng 300 con lợn, tương đương 15-20 tấn thịt hơi. Đây cũng là cơ sở chăn nuôi duy nhất tại xã Phú Hộ chăn nuôi theo hình thức an toàn sinh học, không bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn Châu Phi.

“Hiện nay, chăn nuôi lợn đang cho thu nhập tốt, hơn nữa, nguồn cung trên thị trường cũng không nhiều, nên trong thời gian tới, gia đình sẽ tăng đàn, nuôi 200-300 lợn nái và khoảng 2.000 lợn thương phẩm” – bà Thìn cho biết.

Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, mặc dù là địa phương có tổng đàn lợn xếp thứ 2 ở khu vực trung du miền núi phía Bắc, nhưng thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi của tỉnh Phú Thọ thấp hơn so với mức trung bình chung của cả nước. 

Kết quả này là nhờ tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền khuyến cáo người dân chăn nuôi an toàn sinh học, chỉ tái đàn ở các cơ sở tập trung, chăn nuôi khép kín từ lợn nái đến lợn thịt. Chỉ sau 3 tháng khống chế thành công dịch tả lợn Châu Phi, tổng đàn lợn của Phú Thọ đã tăng hơn 20.000 con. Hiện nay, mỗi tháng tỉnh Phú Thọ cung cấp ra thị trường khoảng hơn 90.000 con, tương đương khoảng 9.000 tấn thịt lợn hơi.

Với mô hình khép kín an toàn sinh học, khách đến tham quan trang trại chăn nuôi của bà Thìn phải thực hiện các biện pháp vô trùng. Ảnh: Văn Giang

Không riêng gì Phú Thọ, nhiều địa phương có quy mô chăn nuôi lợn lớn tại miền Bắc như Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam… ; tại  miền Nam (Bình Định, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long…) đang thực hiện tái đàn thành công.

Theo ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, trong quá trình chăn nuôi cũng như tái đàn, thực tế cho thấy là có những trang trại hoàn toàn không bị dịch, chủ trại bảo vệ đàn lợn thành công. Điểm chung của những trang trại này là nằm xa khu dân cư, chủ trang trại thực hiện an toàn sinh học tốt. 

PGS TS Nguyễn Ngọc Hải - Khoa Chăn nuôi - Trường Đại học Nông lâm TPHCM cũng khẳng định: Để có thể tái đàn lợn thì không có cách nào khác ngoài việc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học để cách ly virus khỏi đàn vật nuôi.

Thống kê đến ngày 10.3.2020, tổng đàn lợn của cả nước đạt gần 24 triệu con, bằng gần 74% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Trong đó, đàn nái còn 2,7 triệu con; các doanh nghiệp tập trung nguồn lực đầu tư giữ đàn lợn cụ kỵ, ông bà, hiện vẫn còn khoảng 109 nghìn con (90%) chưa bị dịch bệnh; do đó cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu nhân giống phục vụ tái đàn lợn. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn