MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Để phát huy tiềm năng, lợi thế của cảng nước sâu Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa còn rất nhiều việc phải làm. Ảnh: X.H

Nhiều việc phải làm để phát triển cảng nước sâu Nghi Sơn

XUÂN HÙNG LDO | 17/08/2023 14:22

Nghi Sơn là cảng nước sâu quan trọng của cả nước, được kỳ vọng sẽ là cảng có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn. Tuy nhiên, hoạt động vẫn chưa như kỳ vọng, đóng góp lớn cho ngân sách nhưng chưa bền vững.

Đóng góp lớn cho ngân sách

Cảng biển Nghi Sơn (Thanh Hóa) là cảng loại I và được quy hoạch tiềm năng thành cảng đặc biệt (IA), là đầu mối giao thương hàng hóa, kết nối vùng Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan, vùng phụ cận Thanh Hóa với các tuyến hàng hải quốc gia và quốc tế.

Hiện nay, hệ thống Cảng biển Nghi Sơn được quy hoạch 51 bến và khu bến, bao gồm: 21 bến tổng hợp, 20 bến và khu bến chuyên dụng và 10 bến container. Tính đến tháng 7.2023 đã có 21 bến đi vào hoạt động. Hiện Cảng Nghi Sơn có năng lực lưu chuyển hàng hóa với công suất dự kiến khoảng 75 triệu tấn/năm.

Trong những năm gần đây, Cảng Nghi Sơn đã thu hút được các hãng tàu và doanh nghiệp thực hiện xuất nhập khẩu qua cảng với tỉ trọng hàng hóa đạt khoảng hơn 41 triệu tấn/năm, chiếm khoảng trên 50% tổng lượng hàng qua nhóm cảng biển số 2 (bằng cả cảng biển Nghệ An và Hà Tĩnh).

Số thu ngân sách nhờ thuế xuất nhập khẩu qua cảng cũng tăng trưởng vượt trội, khi năm 2017 mới chỉ đạt 1.430 tỉ đồng, năm 2018 đã đạt 6.362 tỉ đồng, năm 2020 đạt hơn 10.400 tỉ đồng và năm 2022 đã đạt tới gần 20.000 tỉ đồng, chiếm tới 93% tổng thu ngân sách của Hải quan Thanh Hóa và bằng gần 40% tổng thu ngân sách toàn tỉnh.

6 tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh khó khăn của hoạt động sản xuất và thương mại toàn cầu, tỉ trọng hàng hóa thông qua cảng vẫn đạt 22,8 triệu tấn.

Tuy nhiên, hiệu quả khai thác của cảng nước sâu Nghi Sơn vẫn chưa như kỳ vọng, nguồn thu xuất nhập khẩu chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Văn Thi thẳng thắn cho rằng: "Số lượng hãng tàu mới thu hút được chưa nhiều, tần suất hoạt động thấp; nhiều doanh nghiệp, đơn vị trong tỉnh, trong khu vực vẫn chưa “mặn mà” thực hiện các dịch vụ vận tải hàng hóa qua Cảng; vì vậy, nguồn thu ngân sách Nhà nước tại Cảng biển Nghi Sơn vẫn phụ thuộc phần lớn vào hoạt động nhập khẩu dầu thô của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn; số thu còn lại chủ yếu từ nguồn nhập khẩu máy móc, thiết bị để tạo tài sản cố định cho dự án đầu tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu sản phẩm... của một số doanh nghiệp lớn trong Khu Kinh tế Nghi Sơn; số thu từ các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa thường xuyên còn chiếm tỉ lệ nhỏ".

Chính sách ngắn hạn thôi chưa đủ

Ông Phạm Bá Oai - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa - cho biết, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế chính sách ưu đãi thu hút hoạt động xuất nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn. Theo đó, thực hiện hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn chuyên sâu cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến xuất khẩu tiếp cận thị trường mới. Tăng mức hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế qua Cảng Nghi Sơn lên 500 triệu đồng/chuyến. Đồng thời, bổ sung chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải nội địa bằng container 300 triệu đồng/chuyến.

Các doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn cũng được hỗ trợ 2 triệu đồng/container 20 feet và 3 triệu đồng/container 40 feet khi mở tờ khai tại Hải quan Thanh Hóa; hỗ trợ 700.000 đồng/container 20 feet và 1 triệu đồng/container 40 feet khi doanh nghiệp không mở tờ khai tại Hải quan Thanh Hóa. Thời gian thực hiện chính sách đến hết ngày 31.12.2026.

Ông Nghiêm Minh Tiến - Chủ tịch Hiệp hội sắn Việt Nam - cho biết, với chính sách hỗ trợ của tỉnh Thanh Hoá, hiện giá chi phí logistics, thông quan tại Cảng Nghi Sơn đã có thể gần tiệm cận, ngang bằng với mức giá tại Cảng Hải Phòng. Tuy nhiên vấn đề tồn tại ở Cảng Nghi Sơn là thời gian chờ container thường bị kéo dài từ 10-15 ngày và thực hiện chuyển tải thêm qua các cảng 5-10 ngày, điều này làm tăng chi phí trung chuyển, cũng như không giải quyết được yếu tố cơ hội đối với doanh nghiệp.

Ông Cao Tiến Đoan - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá - đề nghị Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các KCN cần tháo gỡ “nút thắt” quan trọng về giá cước vận tải tàu biển hiện nay.

Theo ông Nguyễn Văn Thi - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa - tỉnh cam kết giảm thiểu rào cản về thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa, hải quan, thuế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn