MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhiều ý kiến trái chiều về doanh thu chịu thuế của cá nhân kinh doanh

Minh Ánh - Hoàng Nam LDO | 29/02/2024 18:11

Nhiều ý kiến cho rằng ngưỡng doanh thu chịu thuế 150 triệu đồng/năm vẫn tương đối thấp. Nhưng Bộ Tài chính cũng nêu nhiều quan ngại.

Căn cứ điều 5.25 của Dự thảo luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) đã nâng ngưỡng doanh thu không chịu thuế của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh từ 100 triệu đồng/năm lên 150 triệu đồng/năm. Quy định này sẽ giúp nhiều cá nhân, hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ không phải thực hiện việc kê khai và nộp thuế.

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp thì ngưỡng doanh thu chịu thuế 150 triệu đồng/năm vẫn tương đối thấp.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất tới Bộ Tài chính góp ý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định về ngưỡng doanh thu chịu thuế của các hộ, cá nhân kinh doanh.

VCCI lý giải, so sánh giữa cá nhân kinh doanh và cá nhân làm công ăn lương sẽ thấy sự bất hợp lý. Hiện nay, cá nhân làm công ăn lương có mức giảm trừ gia cảnh đối với trường hợp không có người phụ thuộc 132 triệu đồng/năm, nếu có một người phụ thuộc 184,8 triệu đồng/năm, nếu có hai người phụ thuộc 237,6 triệu đồng/năm.

“Với giả định trung bình người lao động có một người phụ thuộc, ngưỡng thu nhập chịu thuế đối với người làm công ăn lương cao hơn ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng của cá nhân kinh doanh. Đó là chưa kể, để có thể có doanh thu, cá nhân kinh doanh sẽ phải mất các chi phí đầu vào trong khi thu nhập cá nhân thì không có các chi phí này” - VCCI nêu ý kiến.

Trước đó, chia sẻ với Lao Động, TS Nguyễn Ngọc Tú - giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng, đề xuất nâng mức doanh thu lên 150 triệu đồng/năm là không hợp lý vì mức thuế VAT và thuế TNCN chưa tương đồng. Cá nhân người làm công ăn lương phải nộp thuế TNCN, trong khi cá nhân kinh doanh phải nộp đồng thời cả thuế TNCN và thuế VAT.

"Nếu thuế TNCN được điều chỉnh mức chịu thuế lên 20 triệu/tháng, tương đương 240 triệu đồng/năm mới phải nộp thuế thì mức này lại không tương đồng với mức chịu thuế VAT 150 triệu đồng/năm mà cơ quan thuế đề xuất. Tôi đề nghị, khi tính toán điều chỉnh một luật thuế, cơ quan thuế phải tính toán sự tương thích của trên toàn bộ hệ thống thuế" - TS Tú cho biết.

Mặt khác, VCCI cho rằng, các lĩnh vực khác nhau có kết cấu chi phí và mức thuế suất khác nhau, dù có thể cùng một mức doanh thu. Ví dụ, với lĩnh vực thương mại hàng hóa (như cửa hàng bán lẻ, tạp hóa) có chi phí đầu vào chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu, phần thu nhập mà cá nhân kinh doanh được hưởng không lớn và số thuế thu được chỉ từ 1,5 triệu đồng mỗi năm.

Với lĩnh vực cung cấp dịch vụ, chi phí đầu vào không đáng kể, phần giá trị gia tăng làm ra lớn hơn và số thuế phải nộp cao hơn, thấp nhất 7,5 triệu đồng/năm.

Từ những lý do trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định về ngưỡng doanh thu chịu thuế của hộ, cá nhân kinh doanh theo hướng nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế lên khoảng 180 - 200 triệu đồng/năm.

Bên cạnh đó, VCCI đề xuất Bộ Tài chính cân nhắc phân loại theo ngành nghề tương tự phương pháp tính thuế trực tiếp như ngành phân phối, cung cấp hàng hóa có ngưỡng cao hơn ngành dịch vụ, xây dựng.

Trên thực tế, các đề xuất trên đều bị Bộ Tài chính bác bỏ với lý do mức đề xuất 150 triệu đồng đã "căn cứ vào chỉ số lạm phát và tình hình thực tế".

Bộ Tài chính cho rằng việc nâng mức giảm thuế cao hơn sẽ ảnh hưởng tới số thu ngân sách nhà nước tại địa phương, nhất là các địa phương có số thu thấp.

Bên cạnh đó, cơ quan này cũng cho rằng ngưỡng chịu thuế cao hơn sẽ không khuyến khích các hộ, cá nhân kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp, khi đó doanh nghiệp phát sinh doanh thu phải nộp thuế VAT.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn