MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tính cả tuần, giá dầu Brent giảm 0,8%, dầu WTI giảm hơn 1%. Ảnh minh họa: Tập đoàn Dầu khí

Nhiều yếu tố khiến giá dầu thế giới mất gần 1% trong tuần

Nguyễn Thúy LDO | 14/04/2024 06:48

Yếu tố địa chính trị là nguyên nhân chính khiến giá dầu Brent giảm 0,8%, dầu WTI giảm hơn 1% trong tuần.

Phiên giao dịch đầu tiên của tuần ngày 8.4 (giờ Việt Nam), giá dầu lao dốc gần 1% do Israel giảm quân số ở miền Nam Gaza và bắt đầu vòng đàm phán ngừng bắn mới với Hamas.

Hạn chế đà giảm của giá dầu trong phiên là sự không chắc chắn xung quanh việc Iran sẽ phản ứng thế nào sau khi lãnh sự quán của nước này ở Syria bị đánh bom đầu tuần trước.

Đà giảm của giá dầu được kéo dài sang phiên giao dịch ngày 9.4 (giờ Việt Nam) khi các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn ở Gaza vẫn tiếp tục. Kênh truyền hình Al-Qahera News của Ai Cập đưa tin đàm phán về lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza đã đạt được kết quả bước đầu, các bên tham gia đàm phán đã nhất trí về những điểm cơ bản.

Đến phiên giao dịch ngày 10.4 (giờ Việt Nam), giá dầu tiếp tục lao dốc do số liệu từ Viện Dầu khí Mỹ cho thấy trong tuần kết thúc vào ngày 5.4, tồn kho dầu của Mỹ tăng 3,034 triệu thùng, nhiều hơn so với dự báo tăng khoảng 2,4 triệu thùng của các nhà phân tích.

Giá dầu ghi nhận tuần giảm sau 2 tuần tăng. Ảnh minh họa: Tập đoàn Dầu khí

Trong khi đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ tăng thêm 280.000 thùng/ngày lên 13,21 triệu thùng/ngày trong năm nay, cao hơn so với dự báo trước đó là tăng 260.000 thùng/ngày.

Tại phiên ngày 11.4 (giờ Việt Nam), thị trường dầu mỏ đã và đang tiếp tục phản ứng với tin tức từ Gaza. Hamas cho biết, đang nghiên cứu đề xuất ngừng bắn của Israel trong cuộc chiến kéo dài hơn 6 tháng ở Gaza. Tuy nhiên, gọi đó là đề xuất “không khoan nhượng” và cho hay, nó không đáp ứng yêu cầu nào của người Palestine.

Sang phiên ngày 12.4 (giờ Việt Nam), giá dầu đi xuống khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được dự đoán sẽ không hạ lãi suất vào tháng 6 mà phải đến tháng 9 mới bắt đầu điều chỉnh bởi chỉ số lạm phát tiêu dùng liên tiếp vượt quá dự báo. Việc duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế và làm giảm nhu cầu dầu.

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần ngày 13.4 (giờ Việt Nam), giá dầu tiếp tục giữ ở mức cao trong bối cảnh căng thẳng ở Trung Đông vẫn kéo dài gây nguy cơ gián đoạn nguồn cung.

Chiến lược gia năng lượng toàn cầu Vikas Dwivedi của Macquarie cho biết, sẽ khó duy trì giá dầu Brent trên 90 USD/thùng trong nửa cuối năm nay mà không có sự gián đoạn nguồn cung thực tế liên quan đến các sự kiện địa chính trị.

Tính cả tuần, giá dầu Brent giảm 0,8%, dầu WTI giảm hơn 1%.

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 14.4 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 23.848 đồng/lít; xăng RON 95-III không quá 24.821 đồng/lít; dầu diesel không quá 21.610 đồng/lít; dầu hỏa không quá 21.594 đồng/lít; dầu mazut không quá 17.008 đồng/kg.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn