MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại tọa đàm.

Nhìn nhận lại vai trò cộng đồng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn

Khương Duy LDO | 16/08/2023 18:23

Nhằm đánh giá vai trò, vị thế, năng lực, sự cần thiết phải phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; giới thiệu một số mô hình tiêu biểu... chiều 16.8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tổ chức tọa đàm "Phát huy vai trò cộng đồng trong thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn".

Tọa đàm được tổ chức dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan và Chủ tịch Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) - nguyên Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát.

Ngoài đại diện các đơn vị thuộc Bộ NNPTNT, tọa đàm có sự tham dự của các cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; các tổ chức quốc tế liên quan đến nông nghiệp, nông thôn như JICA, UNDP, Ngân hàng Thế giới, FAO, ACIAR, IFAD, ADB, CIAT, IRRI, Helvetas, Quỹ Saemaul, ICRAF...

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã khẳng định lại vai trò quan trọng của cộng đồng trong thực hiện chiến lược nông nghiệp, nông thôn. Bộ trưởng cho biết, cuộc tọa đàm sẽ tiếp cận cộng đồng không phải là một mô hình, thiết chế mà là một tư duy, một cách tiếp cận mới mẻ.

Bộ trưởng mong tọa đàm sẽ giúp hiểu chiều sâu và giá trị của cộng đồng để thoát ra khỏi tư duy hành chính. Từ đó, bên cạnh quản lý dựa vào công cụ pháp luật, thể chế, giờ đây có thể tiếp cận cách quản lý dựa vào cộng đồng.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan và Chủ tịch Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) - nguyên Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát - chủ trì tọa đàm. Ảnh: Bộ NNPTNT

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, tư duy tiếp cận từ cộng đồng đã được khởi phát từ lâu nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc và khó khăn. Tọa đàm chính là để xem lại những định hướng và nội dung của cách tiếp cận cộng đồng.

“Một mô hình có thể thay đổi bằng một mô hình nhưng tư duy lại được kết tinh, chọn lọc từ những kinh nghiệm của thế giới. Đã đến lúc cần hòa vào quỹ đạo chung của thế giới, không chỉ tiếp cận theo chiều hướng từ trên xuống dưới mà cần cách nhìn đa chiều từ dưới lên trên, huy động thế mạnh của cộng đồng vào phát triển nông nghiệp” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn - cho rằng, để phát triển lại mô hình cộng đồng nông thôn, cần tổ chức ra đơn vị cộng đồng nhân dân như hiệp hội ngành nghề, tổ hợp tác, hội quán. Đồng thời, lấy hoạt động kinh tế phát triển tổ chức cộng đồng.

Trong đó, hợp tác xã nông nghiệp đảm bảo cung cấp vật tư đầu vào, thu mua nông sản đầu ra và hỗ trợ dịch vụ phục vụ sản xuất; thay thế trung gian thương lái, đầu nậu. Hợp tác xã phi nông nghiệp dẫn dắt kinh tế hộ phát triển ngành nghề. Vùng đồng bào dân tộc cho các tổ chức cộng đồng tham gia quản lý, khai thác dịch vụ trồng rừng, bảo vệ biên giới, bảo vệ môi trường và tổ chức sản xuất.

Vừa qua, Việt Nam đã kịp thời ban hành 3 Nghị quyết phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó có Nghị quyết 19 về xây dựng kinh tế tập thể. Đây cũng là điều ông Sơn muốn kết luận: “Xây dựng cộng đồng vững mạnh làm nòng cốt phát triển nông thôn, sản xuất nông nghiệp”.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Huyền - đại diện Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc - UNDP nhận định, để phát triển cộng đồng và phát huy hiệu quả sức mạnh và tiềm năng cộng đồng, cần tiếp tục đổi mới một số vấn đề. Trước hết, về tầm nhìn cần xuất phát từ đặc điểm, nhu cầu và sức mạnh cộng đồng để hành động thực thi chương trình, dự án một cách chủ động, lâu dài và bền vững.

Về mục tiêu, cần phát triển cộng đồng và phát triển kinh tế xã hội thông qua các chương trình, dự án theo pháp luật trên nền tảng tâm lý, phong tục tập quán và truyền thống bản địa.

Ngoài ra, về phương châm, cần xác định hệ công cụ phù hợp; dựa vào các tổ chức chính trị xã hội, từng người và nhóm người; hành động theo tổ chức kết hợp với cá biệt một cách kiên trì và thiết thực; chú trọng về hướng dẫn và thực hành, không qua loa, đại khái, không làm thay, không cào bằng về hỗ trợ, chính sách.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn