MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhờ đâu cổ phiếu ngành phân phối, bán lẻ hồi phục mạnh, bất thường?

Thế Lâm LDO | 29/04/2020 06:58

Trong tháng 4, thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung và Vn-Index nói riêng cho thấy sự phục hồi mạnh. Bởi trước đó trong tháng 3, cùng giảm chung với thị trường, các mã như MWG của Thế Giới Di Động, DGW của Digiwold và FRT của FPT Retail đã giảm xuống đáy thấp nhất từ đầu năm đến nay.

Giảm mạnh, lên nhanh…

Phiên giao dịch đầu tiên của năm mới 2020 diễn ra vào ngày 2.1. Trên sàn giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) khi ấy, các mã cổ phiếu trên lần lượt ở mức giá 117.000 đồng, 23.200 đồng và 21.800 đồng.

Tính đến hai phiên giao dịch ngày 30 và 31.3.2020, cả ba mã đều giảm mạnh xuống mức lần lượt là 59.500 đồng, 17.700 đồng và 10.500 đồng.

Tuy nhiên đến thời điểm ngày 27.4, MWG đã hồi phục về mức 82.200 đồng, DGW ở mức 23.400 đồng và FRT tăng mạnh lên 22.700 đồng. Tỉ lệ tăng giá từ mức giá đáy vào cuối tháng 3.2020 của MWG là 38%, của DGW là 32%, riêng FRT tăng phi mã khoảng 116% với nhiều phiên liên tục tăng trần trong tháng 4.

Có nhiều nguyên nhân được đưa ra lí giải những trường hợp cổ phiếu ngành phân phối, bán lẻ hồi phục mạnh hơn so với mức tăng bình quân của thị trường trong tháng 4. Tuy nhiên, vẫn còn những yếu tố bí ẩn chưa thể giải mã.

Biến động lớn vì đâu?

Nhìn chung, tính đến thời điểm kết thúc phiên giao dịch ngày 27.4 trên sàn HoSE, giá cổ phiếu DGW đã trở lại mức của thời điểm đầu năm, cho thấy không còn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Với FRT, mã cổ phiếu này không chỉ lấy lại mức giá đã mất vì dịch COVID-19 mà thậm chí còn nhích lên cao hơn so với mức giá chốt cuối phiên giao dịch đầu năm 2020 là 900 đồng. Trên sàn HoSE nói riêng và thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung rất hiếm có trường hợp như vậy.

Chỉ riêng mã MWG, dù đã hồi phục 38% nhưng vẫn còn cách mức giá thời điểm đầu năm 34.800 đồng.

Trên thực tế thị trường, cổ phiếu của ngành phân phối, bán lẻ bắt đầu hồi phục nhanh trở lại từ thời điểm cả nước bắt đầu thực hiện cách li toàn xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Từ thời điểm đó, các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị triển khai sâu rộng việc cho nhân viên làm việc tại nhà, họp trực tuyến, bên cạnh đó học sinh cũng ở nhà và được triển khai học online.

Thống kê chỉ số Vn-Index từ ngày 31.3 đến 27.4.2020. Nguồn: Investing.com.

Từ đó, nhu cầu mua sắm, trang bị máy tính, các thiết bị hỗ trợ, linh kiện phục vụ cho việc làm việc tại nhà, họp và học trực tuyến như RAM máy tính, webcam… tăng cao, thúc đẩy doanh thu của ngành, qua đó tác động tích cực đến giá cổ phiếu trên thị trường niêm yết.

Theo ông Bùi Xuân Ngọ - Trưởng phòng khách hàng cá nhân cao cấp thuộc chi nhánh Công ty chứng khoán MB, cổ phiếu ngành phân phối bán lẻ tăng mạnh một phần vì thời gian qua đã giảm quá sâu.

Bà Bùi Thị Kim – Trưởng phòng kinh doanh của Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam - cho rằng, ngoài ra còn những yếu tố  cộng hưởng như bản thân doanh nghiệp và lãnh đạo các doanh nghiệp mua vào cổ phiếu quĩ, qua đó góp một phần “cứu giá”.

Trong đợt giảm tháng 3, giá của các cổ phiếu ngành này đã giảm mạnh, có mã giảm đến mức 40% hoặc 50%, thấp hơn giá trị thực của doanh nghiệp, chính vì thế các mã này thu hút được dòng tiền tham gia bắt đáy trở lại…

Tuy nhiên, trường hợp tăng bất thường của mã FRT, theo chuyên gia Bùi Thị Kim, có thể có những thông tin ngoài luồng chưa được khẳng định rõ ràng cũng thúc đẩy tăng giá. Đây là điều vẫn thường xảy ra trên thị trường chứng khoán.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn