MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Long An phát triển mạnh công nghiệp. Ảnh: K.Q

Nhờ đâu kinh tế Long An vươn lên dẫn đầu Tây Nam bộ?

Kỳ Quan LDO | 12/10/2020 09:17

Nghị quyết Đại hội X nhiệm kỳ 2015 - 2020 của Đảng bộ tỉnh Long An đặt ra 2 chương trình đột phá và 3 công trình trọng điểm cho phát triển kinh tế của tỉnh. 5 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Long An đã thực hiện xuất sắc Nghị quyết Đại hội X, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, huy động hiệu quả nhiều nguồn lực để phát triển, kinh tế tỉnh Long An vươn lên đứng đầu khu vực ĐBSCL.

2 chương trình đột phá

Nghị quyết Đại hội X tỉnh Long An đặt ra 2 chương trình đột phá là: Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm (gọi tắt Chương trình Công nghiệp) và Chương tình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp (gọi tắt Chương trình Nông nghiệp). Chương trình công nghiệp có ý nghĩa quan trọng, tạo nên sự hấp dẫn trong thu hút đầu tư, với việc nâng cấp xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, có tính kết nối giữa các vùng, hoàn thiện bức tranh giao thông tỉnh nhà, tạo dấu ấn đột phá trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Long An - ông Trần Văn Cần thông tin: Chương trình công nghiệp đã giúp thực hiện 14 dự án công trình với tổng mức đầu tư trên 5.855 tỉ đồng. Đến nay, đã có 9 công trình hoàn thành và đi vào sử dựng, 2 công trình sẽ hoàn thành trong năm 2020 và 3 công trình sẽ hoàn thành sau năm 2020.

Trong khi đó, Chương trình nông nghiệp hướng đến xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tỉnh Long An chọn 3 cây trồng (lúa, rau, thanh long) và 1 vật nuôi (bò thịt) để thực hiện chương trình.

3 công trình trọng điểm

Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh Long An xác định tập trung đầu tư 3 công trình trọng điểm có yếu tố đột phá trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, gồm: Đường tỉnh 830 cùng Cảng Quốc tế Long An; Đường Vành đai TP.Tân An và Trục hạ tầng giao thông - đô thị kết nối với TPHCM và tỉnh Tiền Giang.

Đường tỉnh 830 hoàn thành sẽ tạo bước đột phá liên kết vùng giữa tỉnh với TPHCM và các tỉnh lân cận thông qua Cảng Quốc tế Long An và cao tốc TPHCM - Trung Lương cũng như Quốc lộ 1 và Quốc lộ 50.

Giai đoạn 2 của công trình dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2020, giúp kết nối toàn bộ các khu, cụm công nghiệp của tỉnh với Cảng Quốc tế Long An, mở ra hướng đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế bền vững cho tỉnh và cả khu vực miền Tây Nam bộ. Đối với 2 công trình Đường Vành đai TP.Tân An và Trục giao thông động lực kết nối tỉnh Long An với 2 địa phương TPHCM và tỉnh Tiền Giang đang thực hiện và tiếp tục đầu tư hoàn thiện trong giai đoạn 2021 - 2025.Việc triển khai thực hiện các công trình trọng điểm, đặc biệt là Đường tỉnh 830 và Cảng Quốc tế Long An đã góp phần tích cực nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, tạo tiền đề để thu hút các nhà đầu tư, tăng thu ngân sách và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh Long An đã có 16 khu công nghiệp và 21 cụm công nghiệp đang hoạt động, giúp tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 9,11%/năm, đưa kinh tế tỉnh Long An vươn lên dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn