MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhu cầu tích trữ cao, giá vàng tiếp tục lên đỉnh

Quý An (theo CNBC) LDO | 08/05/2023 16:57
Nhu cầu dự trữ từ các nước trong tháng I/2023 đã đưa giá vàng đạt kỷ lục trong bức tranh kinh tế đầy màu sắc.

Giá vàng xuyên thủng mốc 2.000 USD

Giá vàng thế giới đã vượt qua mốc 2.000 USD/ounce trong tuần này và đang tiệm cận đến mức cao nhất mọi thời đại khi Cục Dự trữ Liên bang (FED) đã ra tín hiệu về việc tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc chiến chống lạm phát cũng như những kịch bản khó lường có thể xảy ra với lĩnh vực ngân hàng của Mỹ.

Theo báo cáo mới nhất của Hội đồng Vàng Thế giới (WCG), tổng nhu cầu vàng đã tăng 1% so với quý I/2022 nhờ sự phục hồi của thị trường OTC.

Trong ba tháng tính đến cuối tháng 3.2023, các ngân hàng trung ương đã bổ sung 228 tấn vào tổng lượng vàng dự trữ toàn cầu - tỉ lệ mua hàng cao nhất trong quý đầu tiên kể từ khi chuỗi dữ liệu bắt đầu vào năm 2000, dù tốc độ này chậm hơn so với các quý gần đây.

Louise Street, nhà phân tích thị trường cấp cao tại WCG, cho rằng đây là sự tiếp nối của xu hướng vàng tăng từ các ngân hàng trung ương, lên mức cao nhất trong 11 năm vào năm 2022.

WGC dự kiến nhu cầu giữa các ngân hàng trung ương sẽ giảm trong năm nay sau khi tăng đột biến vào năm 2022.

Giá vàng đã đâm thủng mốc 2.000 USD/ounce do nhu cầu trú ẩn tài sản tăng. Ảnh: Xinhua

Nhu cầu tăng sẽ đưa giá vàng lên cao

Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) là bên mua đơn lẻ lớn nhất trong quý với việc mua thêm 69 tấn vàng, đưa trữ lượng của nước này cao hơn 45% so với cuối năm 2022.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã mua thêm 58 tấn trong quý và hiện nắm giữ 2.068 tấn - chiếm 4% tổng dự trữ vàng được báo cáo trên toàn cầu. Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa là bên mua lớn với việc tăng dự trữ thêm 30 tấn, trong khi ngân hàng trung ương Ấn Độ bổ sung thêm 7 tấn.

Cũng trong quý I/2023, người tiêu dùng Trung Quốc đã mua 198 tấn, chiếm 41% tổng lượng toàn cầu, với nhu cầu tăng trở lại sau khi dỡ bỏ các biện pháp ngăn chặn COVID-19. Sức mua ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã bù đắp phần nào cho nhu cầu giảm ở Ấn Độ.

Về mặt đầu tư, WGC đã chứng kiến ​​sự gia tăng đáng chú ý về nhu cầu vàng vào tháng 3 sau sự sụp đổ của ngân hàng SVB.

Các chuyên gia kinh tế nhận định ngành ngân hàng Mỹ có thể sẽ gặp nhiều tổn thất hơn sau cuộc khủng hoảng mới nhất từ ngân hàng First Republic.

Dòng vốn ETF được hỗ trợ từ vàng tăng đáng kể vào tháng 3 (do lo ngại về rủi ro hệ thống trong nền kinh tế Mỹ) đã bù đắp một phần dòng vốn chảy ra trong 2 tháng đầu năm.

Theo tiết lộ của Street, WGC đang chứng kiến dòng tiền tiếp tục đổ vào Bắc Mỹ vào đầu quý hai và hiện đang mở rộng sang Châu Âu.

“Trong môi trường giá vàng cao và tăng, cuộc khủng hoảng ngân hàng nhỏ mà chúng ta thấy vào tháng 3, lạm phát tiếp tục cao và những lo ngại về sự phục hồi kinh tế toàn cầu đã có tác động khác nhau đến nhiều lĩnh vực và các khu vực địa lý.

Tất cả những thứ đó được kết hợp lại để tạo ra bức tranh nhiều gam màu này, và điều mà chúng ta đề cập khá nhiều chính là sự đa dạng về nguồn cầu của vàng có xu hướng phản ứng theo những cách khác nhau đối với những thứ khác nhau. Đó rõ ràng là thứ biến vàng thành một tài sản đa dạng hóa chiến lược tốt như vậy” – ông nhận xét.

Tổng nguồn cung vàng tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ sản lượng khai thác trong quý đầu tiên đạt mức cao kỷ lục là 856 tấn và tái chế là 310 tấn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn