MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Cao Tiến Đoan - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: X.H

Những điểm nghẽn doanh nghiệp ở Thanh Hóa muốn đối thoại với Chủ tịch tỉnh

Xuân Hùng LDO | 30/03/2023 11:13

Ngày mai (31.3), Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ có cuộc đối thoại với doanh nghiệp trong tỉnh. Trước thời điểm diễn ra sự kiện, nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn lãnh đạo tỉnh cần quan tâm hơn đến những khó khăn của doanh nghiệp, đặc biệt vấn đề phòng cháy chữa cháy và vay vốn ngân hàng.

Trao đổi với Lao Động ngày 30.3, ông Cao Tiến Đoan - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa hy vọng, cuộc đối thoại ngày mai (31.3) giữa Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, các sở ngành với cộng đồng doanh nghiệp sẽ tháo gỡ được một số điểm nghẽn đang gây khó cho hoạt động của các doanh nghiệp.

Theo ông Đoan, để chuẩn bị nội dung cho cuộc đối thoại quan trọng này, Ban Chấp hành Hiệp hội đã tổ chức nhiều hội nghị, bàn tròn và xin ý kiến các doanh nghiệp. Vấn đề các doanh nghiệp quan tâm hiện nay là các quy định phòng cháy chữa cháy và vay vốn ngân hàng.

Trước đó, tại hội nghị tham vấn ý kiến của các doanh nghiệp, nhiều chủ doanh nghiệp lớn ở Thanh Hóa đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm, những khó khăn. Theo ông Trần Quốc Trường - Phó Chủ tịch Chi hội doanh nghiệp Khu công nghiệp Tây Bắc Ga – TP Thanh Hóa cho hay, từ cuối năm 2022 đến nay, có hơn 100 doanh nghiệp tại khu Công nghiệp Tây Bắc Ga không đảm bảo các quy định mới về PCCC, bị xử phạt, đình chỉ hoạt động để khắc phục theo Nghị định 136.

Còn ông Lê Xuân Thảo - Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư và Du lịch Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa) bày tỏ lo ngại khi mùa du lịch biển sắp đến nhưng việc khắc phục các tồn tại từ công tác PCCC vẫn đang ngổn ngang.

“Chúng tôi rất lo lắng, bởi nếu thực hiện theo yêu cầu thì phải phá dỡ, cải tạo khách sạn, làm lại hồ sơ thiết kế. Điều này cần phải có thời gian chứ không thể làm ngay. Không phải chúng tôi không làm mà đề nghị cho giãn thời gian sau dịp hè”, ông Thảo nói.

Cùng quan điểm, ông Trịnh Xuân Lâm - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thanh Hóa và nhiều doanh nghiệp khác cho rằng, chỉ nên áp dụng các quy định mới về PCCC đối với các công trình xây dựng thời gian gần đây. Còn đối với các công trình cũ, cần phải có lộ trình để doanh nghiệp khắc phục. Việc đóng cửa, đình chỉ hoạt động được ông Lâm cho là vội vàng và cứng nhắc vì làm như vậy chẳng khác gì xe đang chạy trên đường bị… phanh gấp, không tai nạn cũng hỏng xe.

Ông Lâm đề nghị những dự án đã duyệt rồi thì cho 2-3 năm để sửa, còn các dự án mới thì phải tuân thủ quy định.

Ông Lê Hồng Mạnh – Giám đốc Công ty phân bón Hữu Nghị cũng cho rằng, các quy định phóng cháy chữa cháy đang điều hành theo kiểu giật cục, nếu cứ áp theo như hiện nay thì khó có doanh nghiệp nào đáp ứng được và đề nghị phải có lộ trình thực hiện. Với các loại hình như karaoke, cấm ngay là cần thiết nhưng nhà máy, khách sạn mà bắt đóng cửa thì rất khó cho doanh nghiệp và người lao động.

Một vấn đề gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xây lắp trên địa bàn là hiện đang loạn giá vật liệu xây dựng trên địa bàn. Theo ông Mai Xuân Thông - Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Miền Trung, hiện thị trường này đang trong tình trạng “vỡ trận”. Theo ông Thông, việc “vỡ trận” xảy ra tại nhiều địa phương nhưng họ có nguyên nhân khách quan. Còn ở Thanh Hóa, tình trạng vừa thiếu nguồn cung, vừa tăng giá vật liệu là do nguyên nhân chủ quan hoàn toàn mà cụ thể là do các doanh nghiệp tự đẩy giá lên gấp nhiều lần giá quy định của Nhà nước. Tình trạng này vừa gây khó cho nhà thầu vừa thất thu một khoản thuế không hề nhỉ. Do vậy, ông Thông cho rằng, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cần có quy định, chế tài quản lý chặt chẽ hơn. 

Vấn đề tiếp cận tín dụng, lãi suất ngân hàng được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Theo các doanh nghiệp, hiện lãi suất ngân hàng quá cao, ở mức 9 - 10%/năm khiến việc vay và cho vay đều gặp khó.

Ông Đỗ Đình Hiệu - Giám đốc VCCI Thanh Hóa nói: “Các tổ chức tín dụng cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, bây giờ bóp nghẹt thế này thì chỉ có đi chơi. Doanh nghiệp nghỉ thì công nhân lao động đi đâu?”.

Đại diện cho hơn 27.000 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, ông Cao Tiến Đoan – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cũng cho rằng, từ sau COVID-19, doanh nghiệp đã khó khăn ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn. Khát vọng vay và khát vọng cho vay là nhu cầu của cả doanh nghiệp và ngân hàng nhưng chưa có điểm gặp gỡ chung. Do đó cần có sự thấu hiểu, chia sẻ, hướng dẫn cụ thể.

Về phía ngân hàng, ông Tống Văn Ánh – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thanh Hóa cho rằng, các doanh nghiệp nếu khó khăn trong tiếp cận vốn cần đến ngân hàng bàn bạc cụ thể để tháo gỡ chứ không thể kêu chung chung. 

Theo ông Ánh, dù rất muốn cho vay nhưng ngân hàng buộc phải tuân theo các quy định của ngành, các doanh nghiệp muốn được vay phải đầy đủ các điều kiện chứ không thể cho doanh nghiệp vừa trốn thuế vừa vay được. Cũng theo ông Ánh, hiện có nhiều gói ưu đãi cho doanh nghiệp với mức hỗ trợ lãi suất 5-6% nhưng phải bảo đảm điều kiện.

Lao Động sẽ phản ánh cụ thể buổi đối thoại vào sáng mai (31.3).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn