MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các đại biểu và chuyên gia đưa ra những ý kiến đóng góp, để TPHCM phát triển sớm trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Ảnh TK.

Những định hướng cốt lõi đưa TPHCM trở thành trung tâm tài chính

Trần Khanh LDO | 19/10/2019 19:38
Từ ngày 18-19.10, tại Trung tâm hội nghị White Palace (TPHCM) đã tổ chức Diễn đàn kinh tế TPHCM năm 2019 với sự tham gia của khoảng 800 đại biểu, chuyên gia trong và ngoài nước,… nhằm đưa ra những ý kiến đóng góp, phát triển TP.HCM sớm trở thành trung tâm tài chính quốc tế.

Trao đổi thông tin tại diễn đàn, ông Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường chính sách Công và Quản lý Fulbright cho biết: “Đề án xây dựng TPHCM thành trung tâm tài chính quốc tế có nhiều chính sách phụ thuộc vào cấp trung ương. Do đó, thành phố cần được thử nghiệm những chính sách mới nhất, mạnh mẽ nhất để trở thành trung tâm tài chính của quốc gia, khu vực và quốc tế”.

Ông Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường chính sách Công và Quản lý Fulbright phát biểu. Ảnh: T.K

Ông Vũ Thành Tự Anh cho biết thêm, vì xuất phát sau các trung tâm tài chính lớn trên thế giới, nên TPHCM cần tìm đường ngách để phát triển dựa vào công nghệ tài chính, tận dụng vị trí giao thương giữa vùng công nghiệp Đông Nam Bộ và nông nghiệp Tây Nam Bộ chứ không thể đi theo con đường truyền thống như các thành phố khác.

Theo ông Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, cần lưu ý đến yếu tố tạo sự khác biệt, chuyên biệt; đồng thời, có thể tham khảo các mô hình tài chính công nghệ, xây dựng thị trường tài chính xanh…

Các chuyên gia trao đổi ý kiến để đưa TPHCM thành trung tâm tài chính. Ảnh TK. 

Ở góc độ tài chính, ông Phạm Xuân Hòe - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước chia sẻ: “Đầu tiên, cần phải củng cố và nâng chuẩn mực hệ thống ngân hàng Việt Nam sớm đạt chuẩn quốc tế. Thứ hai, nâng tầm hệ thống tài chính bản địa cũng cần phải thu hút thêm nhiều quỹ đầu tư lớn đến Việt Nam”.

Cũng theo ông Trần Du Lịch - thành viên Tổ tư vấn kinh tế Chính phủ, điều kiện đủ để thành phố trở phải thành trung tâm tài chính thì phải là trung tâm kinh tế, trung tâm thương mại, là nơi mà các doanh nghiệp “sếu đầu đàn” làm tổ. Phải tiếp tục đầu tư về cơ sở hạ tầng và cơ chế chính sách. Nói cách khác, để nâng cao hiệu quả triển khai, Trung ương phải xem xét cho thành phố xây dựng chính quyền đô thị.

Ông Trần Du Lịch - thành viên tổ tư vấn kinh tế Chính phủ. Ảnh TK. 

Dưới góc nhìn quốc tế, ông Patrick Lenain - Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD (Pháp) cho rằng: “Điều mà các nhà đầu tư quan tâm nhất, là phải có một thị trường đầu tư hấp dẫn, đa dạng về hình thức đầu tư. Mặt khác, Chính phủ phải hình thành hành lang pháp lý và chứng minh được với nhà đầu tư nước ngoài là Việt Nam rất minh bạch trong vận hành thị trường tài chính, thuế,….”. 

Nêu lên một số vấn đề, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM cho hay, tỉ lệ ngân sách thành phố được giữ lại giảm từ mức 26% (giai đoạn 2007-2010) xuống còn 18% (giai đoạn 2017 – 2020), gây khó khăn cho việc đầu tư hạ tầng và phát triển kinh tế. Trong khi đó, quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính còn chậm, quy mô thị trường chứng khoán còn nhỏ so với các đô thị trong khu vực.

Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM. Ảnh: T.K

Ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh: “Việt Nam cần phát triển bền vững về cả quy mô dân số với tỷ suất sinh bình quân 2,06/năm, nhằm đóng góp nguồn lao động dồi dào. Nếu TPHCM và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ được đầu tư nhiều hơn sẽ còn tăng trưởng nhanh hơn. Đây cũng chính là những khách hàng của trung tâm tài chính quốc tế TPHCM trong tương lai với nhu cầu vốn lớn để phát triển”. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn