MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Top 10 doanh nghiệp có lợi nhuận quý II cao nhất trên sàn chứng khoán. Ảnh: H.L

Những doanh nghiệp lãi nghìn tỉ bất chấp sự trở lại của COVID-19

HẢI LINH LDO | 11/09/2021 06:20

Cuối tháng 4.2021, dịch COVID-19 bùng phát trở lại khiến nhiều doanh nghiệp chật vật. Tuy nhiên, bất chấp đại dịch, nhiều doanh nghiệp lớn vẫn ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận cao trong quý II.

Trong top 10 doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế quý II/2021 cao nhất Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (sàn HOSE) nói riêng và các doanh nghiệp niêm yết của Việt Nam nói chung thì có tới 6 ứng cử viên của ngành Ngân hàng.

Tổng lợi nhuận của Top 10 đạt hơn 47.000 tỉ đồng, chiếm hơn một nửa (53%) lợi nhuận toàn sàn HOSE.

Quý thứ 7 liên tiếp Vinhomes dẫn đầu về lợi nhuận

Quý II/2021, Công ty Cổ phần Vinhomes (mã cổ phiếu VHM, HOSE) đạt doanh thu hơn 28,7 nghìn tỉ đồng, tăng gấp đôi so với quý I. Lợi nhuận sau thuế đạt 10.303 tỉ đồng, tăng 4.825 tỉ đồng (88%) so với quý I và tăng 6.887 tỉ đồng (202%) so với cùng kỳ năm 2020.

Với kết quả này, VHM tiếp tục giành vị trí quán quân lợi nhuận. Đây là quý thứ 7 liên tiếp VHM dẫn đầu thị trường chứng khoán về lợi nhuận sau thuế. Trong đó, quý IV/2020 có lợi nhuận cao nhất với 11,56 nghìn tỉ đồng.

Hòa Phát thăng hoa nhờ giá thép tăng cao

Được hưởng lợi từ giá hàng hóa và dịch vụ tăng cao do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, các ngành Tài nguyên Cơ bản (chủ yếu là Thép), Hàng & Dịch vụ Công nghiệp (chủ yếu là Logistics và Vận tải thủy) chứng kiến lợi nhuận tiếp tục tăng tốc trong quý II. 

Là doanh nghiệp thép đầu ngành, quý II/2021, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã cổ phiếu HPG, HOSE) đạt trên 35,4 nghìn tỉ đồng doanh thu, tăng 13% so với quý I. Đây đã là quý  thứ 7 liên tiếp Hòa Phát ghi nhận sự tăng trưởng về doanh thu. Công ty đạt lợi nhuận sau thuế 9.745 tỉ đồng, tăng 2.740 tỉ đồng (39%) so với quý I và tăng 6.990 tỉ đồng (254%) so với cùng kỳ năm 2020. Với kết quả này, HPG là doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế cao thứ 2 trên sàn chứng khoán.

Sao đổi ngôi trong ngành ngân hàng

Khối ngân hàng (chiếm 35% tổng lợi nhuận và 26,2% tổng vốn hóa toàn thị trường) ghi nhận lợi nhuận giảm tốc còn 41% trong quý II từ mức 77,4% trong quý I, phần lớn do các ông lớn đầu ngành (VCB và CTG) có lợi nhuận sụt giảm vì gia tăng mạnh chi phí dự phòng. So với quý liền trước, lợi nhuận các ngân hàng giảm 10,8% trong quý II/2021 và đây là mức suy giảm theo quý lần đầu tiên kể từ quý I/2020.

Tuy nhiên, ngành Ngân hàng vẫn chiếm thế thượng phong trong bảng xếp hạng 10 doanh nghiệp có lợi nhuận ròng cao nhất sàn chứng khoán quý II/2021 với 6 ứng cử viên.

Quý II/2021, Techcombank (mã cổ phiếu TCB, HOSE) đạt 4.807 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 330 tỉ đồng (7%) so với quý I và tăng 1.918 tỉ đồng (66%) so với quý II/2020. Với kết quả này, Techcombank vươn lên giữ vị trí thứ 3 về lợi nhuận trên sàn chứng khoán.

Ngay sát Techcombank là VPBank (mã cổ phiếu VPB, HOSE) với lợi nhuận quý II đạt 4.016 tỉ đồng, tăng 815 tỉ so với quý liền trước.

Vietcombank (mã cổ phiếu VCB, HOSE) rơi khỏi vị trí thứ ba xuống thứ năm sau khi giảm 2.947 tỉ đồng (43%) lợi nhuận quý II/2021 xuống còn 3.960 tỉ đồng. Đây làm mức lợi nhuận sau thuế thấp nhất của Ngân hàng Ngoại thương trong ít nhất 10 quý gần đây.

Góp mặt trong top 10 doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất sàn chứng khoán quý II/2021 còn có BIDV (3.789 tỉ đồng), Vinamilk (2.862 tỉ đồng), MBBank (2.730 tỉ đồng), ACB (2.588 tỉ đồng) và GAS (2.301 tỉ đồng).

Theo chuyên gia Lê Quang Minh (Chứng khoán MiraeAsset Việt Nam) thì kết quả kinh doanh tích cực của ngành Ngân hàng trong quý II có sự hỗ trợ lớn từ Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước.

Theo đó, để tạo điều kiện cho ngân hàng có thể cho vay hỗ trợ doanh nghiệp thì Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01, Thông tư 03 về cơ cấu nợ, không chuyển nhóm nợ, nhờ đó các ngân hàng chưa phải trích lập dự phòng rủi ro với các khoản nợ xấu được cơ cấu, do đó giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận.

Vì vậy, theo nhiều chuyên gia, nhà đầu tư không nên quá lạc quan khi nhìn giá trị tuyệt đối về lợi nhuận ngân hàng lên tới hàng nghìn tỉ đồng.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng để có bức tranh đầy đủ về lợi nhuận ngân hàng, nên nhìn vào các chỉ số ROE, ROA (tỉ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu; tỉ suất lợi nhuận/tổng tài sản). Ở góc độ này thì các chỉ số sinh lời của ngân hàng không phải cao so với các doanh nghiệp niêm yết.

Hơn 58% công ty niêm yết đạt mục tiêu lợi nhuận cả năm sau 6 tháng

Theo thống kê của FiinGroup (đơn vị xếp hạng tín nhiệm trong nước), nửa đầu năm 2021, các doanh nghiệp niêm yết đã hoàn thành 58,5% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay. Đây là tỉ lệ hoàn thành cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, nhưng chủ yếu do lợi nhuận cao đột biến tại một số ngành có tỉ trọng vốn hóa vừa và nhỏ nhờ hưởng lợi ngắn hạn từ dịch COVID-19, bao gồm Thép, Logistics & Vận tải thủy, Phân bón, May mặc, Bán lẻ, Dầu khí.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn