MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sản phẩm từ da cá tra của Công ty CP Vĩnh Hoàn. Ảnh: Lục Tùng

Những đốm sáng “nông nghiệp tuần hoàn” trên đất Chín rồng

LỤC TÙNG LDO | 01/09/2023 07:08

Sử dụng phế phẩm của công đoạn trước tạo ra sản phẩm mới, hoặc phục vụ lại công đoạn sau… Tuy chỉ mới là những đốm lửa, nhưng tất cả như cho thấy vùng đất Chín rồng đang hướng tới nền nông nghiệp kinh tế hơn và bền vững hơn: Nông nghiệp tuần hoàn.

“Chúng tôi vừa nghiên cứu thành công nước mắm và hạt nêm cao cấp từ máu và thịt vụn cá tra” - ông Trương Vĩnh Thành - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Sao Mai (Đồng Tháp) - chia sẻ. Đây không chỉ là bước tiến “thần kỳ” so với những ngày đầu chế biến xuất khẩu cá tra bởi trước đó, hai “nguyên liệu” này thật sự là “gánh nặng” cho DN, vì phải tốn tiền xử lý trước khi bỏ đi. Điều này còn được xem như mảnh ghép hoàn hảo trong nỗ lực xây dựng quy trình tuần hoàn của Tập đoàn Sao Mai. Theo ông Thành, sau khi đưa Nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu vào hoạt động, Sao Mai đã bắt tay nghiên cứu thành công với việc dùng phụ phẩm để chế biến bột cá phục vụ cho nhà máy chế biến thức ăn thủy sản của tập đoàn.

Trong khi đó Công ty CP Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp), DN chế biến cá tra xuất khẩu hàng đầu Việt Nam, lại tìm cho mình hướng đi riêng. Song song với việc chế biến thịt cá tra thành hàng chục món ăn chế biến sẵn, phục vụ thị trường trong nước, DN này cũng tận dụng phụ phẩm cá để chế biến collagen, phân bón và dịch thủy phân...

Không chỉ có DN thủy sản, mà ngày càng có nhiều DN lúa gạo khai thác “trọn bì, trọn cốt” chuỗi ngành hàng. Với quy trình đầu tư tuần hoàn hạt lúa từ đồng ruộng đến bàn ăn, Cty CP Tập đoàn Lộc Trời là điển hình cho DN lúa gạo tuần hoàn. Sau khi hợp tác với nhà nông đồng bộ từ quy hoạch vùng trồng, chọn giống phù hợp, thực hiện quy trình canh tác khoa học đáp ứng hàng rào kỹ thuật thị trường từng quốc gia nhập khẩu, Lộc Trời đầu tư các thiết bị hiện đại từ sản xuất, thu hoạch, vận chuyển, sấy, lưu kho... để đảm bảo mang gạo chất lượng đến tay khách hàng. Với cách làm này, năm 2022, Lộc Trời đã xuất khẩu 500 tấn gạo thơm thương hiệu “Cơm Việt Nam Rice” bày bán trong hệ thống siêu thị lớn nhất châu Âu.

Thậm chí, có DN còn lấy kinh tế tuần hoàn tạo nền tảng vững chắc cho hành trình vươn ra biển lớn.

Sau khi áp dụng các giải pháp kỹ thuật trồng chanh hữu cơ và xây dựng thương hiệu Chavi, anh Nguyễn Văn Hiển, Giám đốc Công ty CP Thương mại Đầu tư Chanh Việt (tỉnh Long An) đã tối đa hóa việc khai thác sản phẩm từ cây chanh. Chọn chanh loại 1 cho thị trường xuất khẩu, rồi sử dụng chanh loại 2 vắt thành nước cốt để tiếp tục xuất khẩu cốt chanh cao cấp sang các quốc gia khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc… Mới đây anh Hiển kết nối với ông Võ Tòng Anh, Giám đốc Cty TNHH T&Ted (TPHCM) chuyên chế biến rác hữu cơ thành phân bón bằng công nghệ vi sinh học, để khởi đầu tái chế biến phần bã của vỏ và quả chanh sau khi trích xuất tinh dầu và nước cốt... thành phân bón.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn