MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việt Nam đẩy mạnh trồng các loại lúa chất lượng cao phục vụ cho xuất khẩu gạo. Ảnh: T.Long

Những “hấp lực” chính khiến xuất khẩu gạo liên tục khởi sắc

Vũ Long LDO | 04/05/2022 12:26

Giá trị kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam liên tục tăng cao do chất lượng lúa gạo không ngừng được cải thiện, Việt Nam xuất khẩu ngày càng nhiều gạo phẩm cấp cao sang các nước.

Theo Bộ Công Thương, nỗ lực chuyển đổi cơ cấu gạo xuất khẩu từ loại phẩm cấp thấp sang cấp cao là một trong những lợi thế giúp giá trị xuất khẩu gạo tăng nhanh chóng trong thời gian qua. Chất lượng lúa gạo ngày càng được cải thiện không chỉ hấp dẫn các thị trường “khó tính” như Mỹ, Châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc…, mà còn thu hút các nước có nhu cầu nhập khẩu gạo trong khối ASEAN.

Gạo xuất khẩu sang Philippines và Indonesia chủ yếu là gạo trắng phẩm cấp thường, độ tấm từ 20-25%, cạnh tranh chủ yếu bằng giá. Về mặt chiến lược, ngành gạo của Việt Nam đang giảm dần sản xuất và xuất khẩu các loại gạo trắng thường nên không thể cạnh tranh về giá với các nước chuyên sản xuất gạo giá rẻ như Myanmar, Pakistan và Ấn Độ.

Những năm trước đây, lúa chất lượng cao chỉ chiếm từ 35-40% trong cơ cấu sản xuất lúa gạo thì đến năm 2020 con số này đã đạt từ 75 đến 80%. Việc này đã đưa giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng lên rất nhanh trong vài năm gần đây, đặc biệt là từ năm 2020.

Xuất khẩu gạo tăng cao trong quý 1.2022. Nguồn: TTXVN

Cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch theo hướng gia tăng các loại gạo thơm, gạo đặc sản, gạo japonica, gạo trắng phẩm cấp cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn.

Việt Nam cũng đã điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu gạo, đến năm 2030, dự kiến chỉ còn khoảng 4 triệu tấn. Do đó, để nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo sang ASEAN, ngành gạo cần rà soát lại nhu cầu nhập khẩu của từng thị trường trong ASEAN, xác định những thị trường tiêu thụ gạo phẩm cấp thường với giá rẻ, thị trường tiêu thụ gạo cao cấp, gạo thơm…

Bên cạnh đó, Việt Nam cần chú trọng các chính sách thương mại với các nước trong khu vực, tận dụng tối đa những lợi thế của các FTA giữa ASEAN với các đối tác trên thế giới.

Hiện nay, các giống đặc sản, lúa thơm được đưa vào canh tác ngày càng nhiều phục vụ cho xuất khẩu. Điều này lý giải vì sao giá gạo Việt Nam cao hơn một số nước xuất khẩu truyền thống, nhưng người tiêu dùng thế giới vẫn chọn ký hợp đồng nhập khẩu gạo Việt.

Cũng theo Bộ Công Thương, những năm gần đây, dòng gạo thơm, gạo đặc sản của Việt Nam như ST24, ST25, Jasmine… đã chinh phục được một số thị trường lớn như Mỹ, EU, giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 sang thị trường EU sẽ đạt tối thiểu 60.000 tấn, đặc biệt tại các thị trường truyền thống như Đức, Italy, Ba Lan…

Nhằm tư vấn, giải đáp các vấn đề doanh nghiệp quan tâm đến xuất, nhập khẩu lúa gạo sang thị trường ASEAN, ngày 5.5.2022, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức phiên tư vấn xuất khẩu sản phẩm lúa gạo sang thị trường ASEAN.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn