MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chuẩn bị kế hoạch hưu trí từ sớm là rất cần thiết. Ảnh: Bảo Việt

Những lưu ý nằm lòng khi U50 lập kế hoạch hưu trí

Trần Thị Mai Hân - Chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại FIDT LDO | 19/06/2023 08:18

Trông chờ hoàn toàn vào lương hưu chưa thể là giải pháp đảm bảo yên tâm nên việc chuẩn bị kế hoạch hưu trí từ sớm là rất cần thiết.

Việc chuẩn bị kế hoạch hưu trí từ sớm là rất cần thiết. Trước khi thiết lập một kế hoạch tài chính, dù ở độ tuổi nào, việc đầu tiên là xem xét, phân tích tình hình tài chính ở hiện tại cũng như các mục tiêu tài chính ở ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Ở độ tuổi U50 bắt đầu bước vào giai đoạn quan trọng cần tính toán đến 7 yếu tố quan trọng sau cần được đánh giá:

Thứ nhất, khi nghỉ hưu, chúng ta sẽ có các nguồn thu nhập, chủ động và thụ động nào? Thu nhập chủ động có thể đến từ việc giảng dạy, tư vấn, kinh doanh... Thu nhập thụ động có thể từ lương hưu, tiền lãi tiết kiệm, tiền cho thuê nhà đất, phí bản quyền… Độ ổn định và tăng trưởng của thu nhập cũng được chú trọng.

Thứ hai, các chi phí dự kiến, nhất là chi phí chăm sóc sức khỏe và chi phí du lịch là những khoản sẽ phát sinh cao khi nghỉ hưu. Chi phí chăm sóc sức khỏe phụ thuộc vào việc bạn đã có bảo hiểm nhân thọ kèm các sản phẩm bổ trợ hay chưa, có sẵn bảo hiểm sức khỏe hay không, tiền sử bệnh ra sao, chúng ta có lối sống lành mạnh hay không…

Thứ ba, có những thay đổi nào trong phong cách sống, nơi ở… ảnh hưởng đến chi phí phát sinh hay không? Nếu bạn về vùng quê dưỡng già, chi phí sinh hoạt sẽ thấp hơn ở các thành phố lớn.

Thứ tư, dự kiến nguồn thừa kế được nhận và thừa kế lại cho người thân. Việc nhận được tài sản thừa kế sẽ giảm gánh nặng hưu trí. Ngược lại, khi mong muốn hỗ trợ tài chính cho người thân thì cần chuẩn bị nguồn tài chính cao hơn.

Thứ năm, các mục tiêu tài chính trong tương lai là gì? Cần cụ thể các mục tiêu tài chính ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để chuẩn bị dòng tiền tương ứng.

Thứ sáu, tài sản hiện có, khoản nợ chưa hoàn trả gồm những gì? Nếu đang mắc nợ, mục tiêu trả nợ cũng cần thực hiện cùng lúc với các mục tiêu khác. Tài sản ở mức cao sẽ là nền tảng tốt cho việc tăng trưởng đầu tư. Ngược lại khi tài sản ở mức thấp, bạn cần tăng mức tiết kiệm và đầu tư để đảm bảo đạt mục tiêu an toàn tài chính khi về hưu.

Thứ bảy, bạn đã có các phương án phòng ngừa rủi ro chưa? Hai phương thức phòng ngừa rủi ro hữu hiệu là có sẵn các loại bảo hiểm và quỹ dự phòng khẩn cấp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn