MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những lưu ý pháp lý cho người mới kinh doanh mỹ phẩm

Xuyên Đông LDO | 02/03/2023 09:57

Mỹ phẩm là loại hình kinh doanh có điều kiện. Do đó, để có thể kinh doanh mặt hàng này, người kinh doanh, nhất là những người mới vào nghề cần nắm rõ kiến thức pháp lý.

Luật sư Nguyễn Thu Trang, Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long cho biết, để đưa mỹ phẩm vào kinh doanh tại thị trường Việt Nam, cơ sở kinh doanh buộc phải thông qua thủ tục công bố mỹ phẩm.

Danh mục sản phẩm mỹ phẩm được cơ quan có thẩm quyền cấp số công bố hiện nay gồm, kem, sữa, gel, nhũ tương hoặc dầu dùng trên da; các loại phấn dùng sau khi tắm, phấn trang điểm, bột vệ sinh; mặt nạ; nước hoa, nước thơm dùng vệ sinh; các chất phủ màu có thể ở dạng bột, lỏng, gel; xà phòng khử mùi; sản phẩm để tắm, gội; sản phẩm tẩy lông; sản phẩm chăm sóc tóc như thuốc uốn, nhuộm, duỗi, dưỡng; dòng mỹ phẩm dùng để chăm sóc răng miệng…

Một trong những điểm người kinh doanh đáng quan tâm là quy trình công bố mỹ phẩm. Theo đó, người kinh doanh cần chú ý các bước thực hiện công bố mỹ phẩm như sau:

Bước thứ nhất, chuẩn bị hồ sơ công bố mỹ phẩm: Người kinh doanh chuẩn bị phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm (02 bản) kèm theo dữ liệu công bố (bản mềm của phiếu công bố). Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hợp lệ giấy ủy quyền của nhà sản xuất hoặc chủ sở hữu sản phẩm ủy quyền cho tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường được phân phối sản phẩm mỹ phẩm tại Việt Nam (áp dụng đối với mỹ phẩm nhập khẩu và mỹ phẩm sản xuất trong nước mà tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường không phải là nhà sản xuất). Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS).

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, cơ sở kinh doanh tiến hành bước thứ 2 là nộp hồ sơ công bố mỹ phẩm. Hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện tới cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Đối với mỹ phẩm nhập khẩu nộp tại Cục Quản lý dược - Bộ Y tế. Đối với mỹ phẩm sản xuất trong nước, nộp tại Sở Y tế nơi đặt nhà máy sản xuất.

Sau khi nộp hồ sơ, cơ sở cần chờ được chấp nhận mới có thể đưa mỹ phẩm vào kinh doanh.

Muốn đưa vào kinh doanh mỹ phẩm phải thông qua thủ tục công bố mỹ phẩm. Ảnh Nguyễn Hùng
 

Luật sư Nguyễn Thu Trang cũng nhấn mạnh, theo quy định hiện hành, mỹ phẩm là mặt hàng nhạy cảm. Do đó, pháp luật có  nhiều quy định cụ thể về quảng cáo. Để có thể quảng cáo mỹ phẩm hợp pháp, cơ sở kinh doanh cần đáp ứng đầy đủ theo Điều 4 Nghị định 181/2013/NĐ-CP:

“1. Nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải phù hợp với các tài liệu sau đây:

a) Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về dược;

b) Tài liệu chứng minh tính an toàn, hiệu quả của mỹ phẩm và tuân thủ theo hướng dẫn về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm của hiệp hội quốc tế (nếu có).

2. Quảng cáo mỹ phẩm phải có các nội dung sau đây:

a) Tên mỹ phẩm;

b) Tính năng, công dụng của mỹ phẩm;

c) Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường;

d) Các cảnh báo theo quy định của các hiệp định quốc tế .

3. Không được quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

4. Quảng cáo mỹ phẩm trên báo nói, báo hình phải đọc rõ ràng nội dung quy định tại các điểm a, b và d Khoản 2 Điều này”. Theo đó, việc quảng cáo mỹ phẩm phải đáp ứng các quy định của pháp luật được nêu cụ thể. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn