MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những quy định trong lĩnh vực kinh doanh có hiệu lực từ tháng 11.2018

Văn Thắng LDO | 01/11/2018 10:52

Phạt tới 200 triệu đồng khi bán hàng đa cấp bất chính; hộ, cá nhân kinh doanh được cấp hóa đơn điện tử miễn phí... là những quy định có hiệu lực từ 1.11.2018.

Phạt tới 200 triệu đồng khi bán hàng đa cấp bất chính

 

Nghị định 141/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25.11.2018. Theo nghị định này, mức phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng được áp dụng với tổ chức thực hiện một trong các hành vi bán hàng đa cấp bất chính sau:

- Yêu cầu người khác đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp.

- Yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp.

- Cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu người khác tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu đó…

Nghị định cũng quy định, phạt gấp 2 lần mức phạt nêu trên nếu hành vi vi phạm được thực hiện trên địa bàn từ 2 tỉnh, thành phố trở lên.

Hộ, cá nhân kinh doanh được cấp hóa đơn điện tử miễn phí

 

Nghị định 119/2018/NĐ-CP được ban hành ngày 12.9.2018, có hiệu lực từ ngày 1.11.2018, quy định cụ thể về các đối tượng được cơ quan thuế cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử miễn phí:

- Hộ, cá nhân kinh doanh, trừ hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu năm trước từ 3 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, xây dựng hoặc 10 tỷ đồng trở lên lĩnh vực thương mại, dịch vụ.

- Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và hộ, cá nhân kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp trong 12 tháng, kể từ khi thành lập doanh nghiệp.

- Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, cá nhân kinh doanh tại địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn.

- Doanh nghiệp nhỏ và vừa khác theo đề nghị của UBND cấp tỉnh, trừ doanh nghiệp hoạt động tại khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao.

7 trường hợp quỹ tín dụng nhân dân bị thu hồi giấy phép

 

Theo Thông tư 23/2018/TT-NHNN, có hiệu lực từ ngày 1.11.2018, có 7 trường hợp phải thu hồi giấy phép của quỹ tín dụng nhân dân, bao gồm:

- Quỹ tự nguyện xin giải thể khi có khả năng thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.

- Hồ sơ đề nghị cấp phép của Quỹ có thông tin gian lận để đủ điều kiện được cấp giấy phép.

- Quỹ hoạt động không đúng nội dung quy định trong giấy phép.

- Quỹ vi phạm nghiêm trọng quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động.

- Quỹ không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quyết định xử lý của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh để bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng.

- Quỹ bị chia, sáp nhập, hợp nhất, phá sản.

- Quỹ hết thời hạn hoạt động không xin gia hạn hoặc xin gia hạn nhưng không được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh chấp thuận.

2 trường hợp ngân hàng được cung cấp thông tin khách hàng

 

Ngày 11.9.2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 117/2018/NĐ-CP quy định về việc bảo vệ bí mật, thông tin khách hàng tại các ngân hàng: Ngân hàng chỉ được cung cấp thông tin khách hàng trong trường hợp: Tổ chức khác, cá nhân có quyền yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng được quy định tại Bộ luật, Luật, Nghị quyết của Quốc hội; Có sự chấp thuận của khách hàng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn