MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiền điện tử là loại hình đầu tư chưa được công nhận về mặt pháp lý tại Việt Nam. Ảnh: Bitcoin

Những rủi ro khi rút 1 tỉ đồng tiền tiết kiệm để đầu tư tiền điện tử

Phương Anh LDO | 09/11/2023 17:53

Theo đánh giá của giới chuyên gia, triển vọng của tiền điện tử đến từ ứng dụng trong việc thanh toán không dùng tiền mặt, nguồn cung hữu hạn và hưởng lợi từ tình hình chính trị - kinh tế bất ổn. Tuy nhiên, khi tham gia vào thị trường này, nhà đầu tư sẽ phải chịu nhiều rủi ro.

Tiền điện tử là loại hình đầu tư chưa được công nhận về mặt pháp lý tại Việt Nam, không có cơ quan quản lý chuyên trách cũng như quy định pháp luật để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

Do đó, ông Nguyễn Nhật Khánh - Trưởng phòng Tư vấn đầu tư tại CTCP Tư vấn đầu tư và Quản lý gia sản FIDT - nhấn mạnh rằng, nhà đầu tư có thể gánh chịu rủi ro mất vốn rất cao nếu mua bán trên các sàn giao dịch ở nước ngoài. Việc chuyển đổi tiền tệ cũng tốn kém và mang nhiều phiền phức.

"Rủi ro lớn nhất của loại hình đầu tư tiền ảo là biến động giá. Nhiều giai đoạn tiền “bốc hơi” 20 - 30% giá trị trong ngày. Đây là ngưỡng mà không phải nhà đầu tư nào cũng có thể chịu được.

Bên cạnh đó, thị trường Bitcoin là loại hình còn khá mới mẻ về độ dài tồn tại và có sự biến động giá trị không giới hạn. Do đó, không phải đồng tiền nào cũng có thanh khoản giao dịch, tức là có thể mua bán trên thị trường" - vị chuyên gia cho biết.

Xét ví dụ cụ thể, anh Hoàng Quân (kinh doanh tự do tại Hà Nội) có 1 tỉ đồng gửi ngân hàng. Sắp đến ngày đáo hạn sổ tiết kiệm, anh đang cân nhắc rút hết tiền ra để đầu tư vào thị trường Bitcoin do lãi suất tiết kiệm đang giảm rất nhiều so với đầu năm.

Theo ông Nguyễn Nhật Khánh, 1 tỉ đồng là số tiền lớn vì thế nên được đầu tư nghiêm túc vào loại hình hợp pháp. Thị trường tiền điện tử chưa được pháp luật bảo vệ nên việc giao dịch qua những kênh không chính thống nhiều khả năng sẽ mất trắng vốn.

Thị trường Bitcoin có tính biến động mạnh và dễ thao túng giá. Loại hình đầu tư này thích hợp cho đại đa số “tay ngang”. Đồng thời, các doanh nghiệp trên thị trường Việt Nam có tính phổ biến rộng, thông tin dễ tìm hiểu, tính minh bạch cao, dễ dàng định giá. Sự lựa chọn kênh chứng khoán vì thế sẽ phù hợp hơn so với kênh tiền điện tử.

"Anh Quân cần lưu ý tỉ trọng đầu tư nên thay đổi theo tình hình kinh tế, tài chính và khẩu vị rủi ro vào từng thời điểm. Việc tập trung tất cả tài sản vào một kênh sẽ khiến cho rủi ro mất trắng tăng lên đáng kể. Vì vậy, việc đa dạng danh mục đầu tư vào các kênh như bất động sản, tiền gửi... sẽ giúp anh có hiệu suất sinh lời tốt, kèm với rủi ro hợp lý trong một thời gian dài" - vị chuyên gia đưa ra lời tư vấn.

Chương trình Tài chính thông minh được phối hợp thực hiện bởi Báo Lao Động và CTCP FIDT - Đầu tư và quản lý gia sản. Chuỗi video được phát sóng vào 19h tối thứ Năm hàng tuần với sự tham gia của các chuyên gia tài chính uy tín hàng đầu cùng chia sẻ những kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân và đầu tư tới độc giả/khán giả!

Xem thêm các tin bài của chương trình Tài chính thông minh tại đây.

Tại Việt Nam, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần phát đi thông điệp: Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ và phương thức thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền điện tử tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi không đúng với pháp luật hiện hành.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn