MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các ruộng rau tạm trên đường Hàm Tử, phường Mỹ An, Đà Nẵng. Ảnh: AN THƯỢNG

Những ruộng rau hai lần thu hoạch

AN THƯỢNG LDO | 21/02/2018 09:58
Sau tết, cá tươi, rau sống là những mặt hàng được ưu chuộng và đắt giá nhất. Với nhiều nông dân Đà Nẵng, ngoài việc bán rau được giá, các chủ vườn còn bội thu nhờ bán vé, làm dịch vụ cho khách du lịch tham quan, trải nghiệm tại các ruộng rau.

Các ruộng rau ở phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn thì vẫn tấp nập kẻ bán người mua cả trước và sau tết. Người nông dân thong thả chăm bón, thu hoạch và bán hàng mà không sợ hàng ế ẩm hay vắng khách như hoa xuân. Bởi các ruộng rau ngay trong lòng thành phố, ngoài nhu cầu tiêu thụ lớn, quanh năm của người dân nội thị, hiện nay các vườn rau này cũng thu hút nhiều đoàn khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Ông Trần Văn Đoàn - chủ một vườn rau trên đường Hàm Tử - cho biết, mỗi ngày ông tiếp 10-15 đoàn khách du lịch nước ngoài. Có cả người Châu Âu lẫn Châu Á. Họ rất thích thú dù chỉ vài phút trải nghiệm, làm nông dân để... chụp ảnh. Các loại rau cải, xà lách trồng mùa Xuân chỉ nửa tháng đến 20 ngày đã thu hoạch được rồi. Ngoài việc bỏ sỉ cho các chợ đầu mối, các tư thương tới mua trực tiếp thì vườn rau ông Đoàn còn “thu hoạch kép” từ việc khách tham quan trả phí, bồi dưỡng với mức 20.000 - 50.000 đồng/khách.

Chỉ riêng khu vực quận Ngũ Hành Sơn hiện nay có đến cả chục vườn rau xen kẽ trong nội thị, nằm ngay giữa các khu dân cư, trên mặt đường phố hiện đại. Đây là điểm đến mới lạ, hấp dẫn du khách và mở ra cơ hội tăng thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, tất cả các vườn rau này đều tạm bợ, là đất mượn của các dự án treo hoặc do nhà đầu tư chậm tiến độ xây dựng. Chính quyền tạo điều kiện cho người dân canh tác tạm và có thể bị thu hồi không đền bù bất cứ lúc nào.

Bà Lê Thị Công - chủ vườn rau trên đường Chương Dương - cho biết, có khoảng 80 hộ dân trồng rau ở khu vực nam cầu Trần Thị Lý, thuộc phường Mỹ An. Tất cả là mượn đất của các dự án. Hiện nhiều hộ đã bị “báo động” thu hồi sau vụ đông xuân năm nay. Bà Công cho biết, thực ra, đây vốn là ruộng rau, vườn lúa của người dân trước khi đô thị hóa. Khi nhà nước thu hồi để phát triển đô thị, xây dựng hạ tầng, bố trí khu đô thị, thì những hộ nông dân này đã dạt ra xa nội đô, ở những khu tái định cư rẻ tiền hơn. Nhưng vì nhiều dự án chậm triển khai, đất bỏ hoang nên hơn 10 năm nay người dân quay về vườn cũ, xin canh tác để kiếm thêm thu nhập. Nhìn các đoàn khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm ngày càng đông, bà Công tiếc rẻ: “Ước chi trước đây TP.Đà Nẵng quy hoạch, giữ lại các vườn rau, ruộng hoa thì không chỉ người dân có kế sinh nhai mà TP còn có thêm địa chỉ tham quan du lịch chẳng thua kém các làng rau Trà Quế, Cẩm Hà, Hội An”.

Nhiều ngư dân miền Trung bỏ tết ở quê nhà, đón giao thừa ngoài khơi để những ngày đầu năm cập bờ, bội thu nhờ tăng giá bán. Tuy nhiên, mùng năm tết (20.2.2018), tại cảng cá Thọ Quang, số tàu ra vào bán cá đã giảm đi rõ rệt. Trong khi giá cá tươi tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi thường ngày thì gần 300 tàu cá vẫn còn im lìm neo trong vịnh Mân Quang. Chỉ 7-10 tàu cập cảng mỗi ngày. Bà Nguyễn Thị Bảy cho biết, tàu vừa đến cảng lập tức tư thương mua hết sạch hải sản. Thu nhập mỗi tàu từ 70-80 triệu đồng dù chỉ mới ra khơi 1-2 ngày. Giá mỗi kilôgam cá hố, cá thu 400.000 - 500.000đồng/kg, vì vậy nhiều tàu doanh thu hàng trăm triệu đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn