MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một số tiểu thương và người dân còn trụ lại bán hàng ở khu vực trước chợ cũ đã đóng cửa mặc cho rác thải bủa vây, hôi thối. Ảnh: Trần Tuấn.

Những tiểu thương cuối cùng cố bám trụ ở chợ cũ ngập rác

TRẦN TUẤN LDO | 10/12/2020 09:53

Dù chợ Sơn (chợ cũ) của huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) chính thức đóng cửa từ ngày 5.12 để chuyển về chợ huyện (mới). Thế nhưng, hiện vẫn còn một số tiểu thương cố trụ lại bán hàng trước chợ cũ mặc cho rác thải bủa vây, hôi thối nồng nặc.

Ngày 9.12, sau gần 1 tuần đóng cửa chợ Sơn, theo ghi nhận của phóng viên Lao Động, vẫn còn khoảng vài chục tiểu thương và người dân bán hàng dọc trục đường trước cổng chợ cũ này.

This browser does not support the video element.

Video đóng cửa chợ cũ, chuyển về chợ huyện mới hoạt động. Thực hiện: Trần Tuấn.
Chợ Sơn đã đóng cửa từ ngày 30.11. Ảnh: Trần Tuấn.
Người dân trụ lại bán hàng trong tình trạng bị rác thải chất đống, bủa vây, ruồi nhặng bâu kín, mùi hôi thối nồng nặc.

Bà Lương Thị Thiêm (61 tuổi) cho biết, tình trạng rác thải chất đống nơi đây đã kéo dài vài năm nay nhưng ít khi thấy có đơn vị thu gom. Có thời gian phải cả tháng mới có người đến gom. Trước tình trạng này, nhiều người dân tự đốt rác để có nơi bỏ thêm rác mới nhưng việc làm này khiến nhiều người chịu cảnh ngột ngạt thêm.

Rác chất đống trước chợ Sơn, nơi một bộ phận người dân đang trụ lại buôn bán. Ảnh: Trần Tuấn.

Hỏi vì sao không về chợ mới bán, bà Thiêm cho biết, do nhà gần chợ cũ nên vẫn còn dọn hàng ra đây bán cho gần, dù thực tình bà cũng muốn chuyển về chợ mới bán cho sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh.

Một số tiểu thương có ki ốt bám mặt đường chợ cũ này vẫn đang trụ lại bán hàng cho biết, họ đang “cân nhắc” chưa xuống chợ mới vì phải bỏ ra từ 200 triệu trở lên (tùy diện tích, vị trí) để mua ki ốt ở chợ mới.

Hàng quán vẫn bày bán dọc đường trước chợ cũ đã đóng cửa. Ảnh: Trần Tuấn.

Trong khi số ít tiểu thương đang cố bám trụ lại ở chợ cũ thì tại chợ mới của huyện Hương Khê (đường Phan Đình Phùng, thị trấn Hương Khê, cách chợ cũ khoảng 1km) rất nhiều tiểu thương đã nhận ki ốt, bán hàng tại đây.

Chị Nguyễn Thị H. (30 tuổi) cho biết, chị mua ki ốt ở chợ mới này giá 210 triệu đồng với thời hạn 50 năm để bán rau, củ, quả. Chị cho rằng số tiền này không đắt, nhưng do vốn của chị ít nên hơi khó khăn, rất may được Ban quản lý chợ cho trả tiền ki ốt trong thời gian một năm không tính lãi.

Ông Phạm Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Đức Tài, chủ đầu tư chợ huyện Hương Khê cho biết, sau 3 năm khởi công xây dựng với tổng vốn đầu tư hơn 122 tỉ đồng, chợ huyện Hương Khê đã hoàn thành đưa vào hoạt động từ ngày 30.11.2020.

Một góc chợ huyện Hương Khê vừa đưa vào hoạt động. Ảnh: Trần Tuấn.

Cùng với đưa chợ huyện vào hoạt động, chợ Sơn (cũ) đóng cửa từ ngày 5.12. Đến nay, tại chợ mới với 904 ki ốt thì đã phủ sóng khoảng 85% có người thuê, mua để kinh doanh.

“Sở dĩ đạt được kết quả đó là do có sự hài hòa giữa lợi ích nhà đầu tư và lợi ích của tiểu thương. Thực tế giá thuê, mua ki ốt khá rẻ và chúng tôi cho giãn thời gian trả. Chỉ trả một lần đầu 50% tổng tiền, 50 % còn lại trả hàng tháng trong vòng một năm mà không tính lãi” - ông Tuấn nói.

Ngoài ra, nhà đầu tư đang tính sẽ dành 4000 - 5000m2 diện tích ngoài trời để cho người dân bán rau, quả nhỏ lẻ đến bán mà không thu tiền chỗ ngồi.

Ông Trần Trí Thảo - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hương Khê cho biết, sau khi đóng cửa chợ Sơn, đến nay cơ bản các tiểu thương ở chợ cũ đó đã chuyển về buôn bán ở chợ mới. Số ít còn lại đang bám trụ, chính quyền thị trấn đang tổ chức tuyên truyền, vận động. Ông Thảo cũng nhận định, chắc chắn số còn lại sẽ sớm về chợ mới bởi ở chợ mới khang trang, sạch sẽ đảm bảo điều kiện kinh doanh, buôn bán tốt hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn