MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Huyện Chư Sê đang kiểm điểm các cá nhân, tập thể để xảy ra nợ đọng trong xây dựng cơ bản. Ảnh: Thanh Tuấn

Nợ đọng đang làm khổ nhiều nhà thầu ở Gia Lai

THANH TUẤN LDO | 27/07/2024 14:05

Gia Lai - Dù chưa đủ kinh phí nhưng chủ đầu tư đã đồng ý cho nhà thầu thi công xây dựng, dẫn đến việc bị nợ đọng kéo dài.

Chưa đủ vốn vẫn tổ chức đấu thầu thi công

Ngày 27.7, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai đề xuất UBND tỉnh kiểm điểm các chủ đầu tư dự án xây dựng cơ bản trên địa bàn để xảy ra nợ đọng kéo dài. Tính đến giữa tháng 7.2024, tại tỉnh Gia Lai có Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh và UBND huyện Chư Sê bị nợ đọng.

Việc nợ tiền thi công, xây dựng khiến các doanh nghiệp lao đao, gửi đơn khiếu nại lên cơ quan có thẩm quyền. Tại huyện Chư Sê, Công ty TNHH MTV Phúc Hưng (tổ 8, thị trấn Chư Sê) có đơn đề nghị Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Chư Sê trả nợ, với số tiền 722 triệu đồng.

Công ty TNHH Xây dựng Trường Phát Lợi (TP.Pleiku) gửi đơn đòi nợ đối với công trình đường Nguyễn Thị Minh Khai; Dự án đường ven hồ tổ dân phố 8.

Từ năm 2020 và 2021 đến nay, nhà thầu đã hoàn thiện thi công phần mặt bằng cũng như thực hiện quyết toán đối với 2 công trình này nhưng chủ đầu tư mới trả một phần, số tiền còn nợ lại hơn 4,7 tỉ đồng.

Trong số các nhà thầu, Công ty TNHH MTV Thuận Nghĩa Gia Lai bị huyện Chư Sê nợ tiền kéo dài đến 8 năm. Ông Nguyễn Nhiều - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thuận Nghĩa Gia Lai - bức xúc: “Bị huyện nợ tiền thanh toán, trong khi công ty tôi phải còng lưng trả nợ tiền thuế và tiền nộp phạt chậm đã gây thiệt hại nặng về kinh tế”.

Huyện Chư Sê đang tìm nguồn vốn để trả nợ cho doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Tuấn

Ai chịu trách nhiệm về việc nợ đọng?

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh có số liệu nợ đọng phát sinh từ ngày 1.1.2015 đến ngày 31.12.2023 là 895 triệu đồng.

Nguyên nhân do nguồn vốn huy động của dân đóng góp 10%. Đến nay nhiều địa phương chưa thu được, gồm các huyện: Chư Prông, Đắk Pơ, Chư Pưh, An Khê, Đức Cơ, Chư Sê.

Còn tại huyện Chư Sê, số liệu nợ đọng phát sinh từ ngày 1.1.2015 đến ngày 31.12.2023 là hơn 19,7 tỉ đồng. Nguyên nhân do các dự án chưa được bố trí vốn và hụt thu tiền sử dụng đất huyện.

Việc nợ đọng gây ảnh hưởng đến niềm tin của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, môi trường đầu tư, thu hút đầu tư của tỉnh Gia Lai.

Bà Rmah H’ Bé Nét - Chủ tịch UBND huyện Chư Sê - cho rằng, giai đoạn 2015-2020, trên địa bàn nông sản mất mùa rớt giá, hồ tiêu chết. Từ năm 2020 đến nay, dịch bệnh phức tạp, đời sống khó khăn, nên UBND các xã gặp khó trong việc thu tiền quyên góp, vận động từ các hộ dân.

Còn đối với các dự án sử dụng hoàn toàn nguồn vốn Nhà nước, bà Rmah H’ Bé Nét cho hay, huyện tiếp tục phối hợp cùng Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện tìm phương án. Sau đó, huyện sẽ thanh toán các công nợ.

Nợ đọng chủ yếu diễn ra trong giai đoạn 2015-2020. Huyện Chư Sê đang yêu cầu các cá nhân, đơn vị kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc để nợ đọng, tìm nguồn vốn để trả nợ theo Nghị quyết phân bổ vốn của Hội đồng nhân dân huyện.

Căn cứ Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 30.4.2015 của Thủ tướng Chính phủ: “Không cho phép doanh nghiệp tự bỏ vốn chuẩn bị đầu tư, thi công dự án khi chưa được bố trí vốn, làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản”, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cho rằng, các chủ đầu tư để xảy ra vi phạm cần phải kiểm điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn