MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nợ gốc, nợ lãi trái phiếu đè nặng doanh nghiệp

Kim Ngân LDO | 26/12/2022 14:26
Nợ trái phiếu đến hạn lớn, nguồn vốn gọi mới qua kênh trái phiếu giảm trong khi vay vốn ngân hàng khó khăn đang “đè nặng” lên nhiều doanh nghiệp.
Nút thắt lớn nhất hiện nay đối với thị trường trái phiếu là dòng vốn thanh khoản của doanh nghiệp. Ảnh: Đình Hải
Ngày càng khó huy động vốn mới

Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong 10 tháng năm 2022 đạt 328,9 nghìn tỉ đồng, giảm 25,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý, lượng phát hành TPDN có xu hướng giảm dần qua các quý của năm 2022: Quý I đạt 134,8 nghìn tỉ đồng, quý II là 122,4 nghìn tỉ đồng, quý III là 65,9 nghìn tỉ đồng. Cũng theo Bộ Tài chính, 46,48% TPDN riêng lẻ phát hành có tài sản đảm bảo; 53,52% không có tài sản đảm bảo, chủ yếu là trái phiếu của tổ chức tín dụng. Trong số này các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng chiếm lần lượt 28,87% và 7,8%;

Theo số liệu mới nhất của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam, trong 11 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp có nhu cầu gọi vốn 317.000 tỉ đồng nhưng trên thực tế giá trị trúng thầu chỉ đạt 182.222 tỉ đồng, tương đương tỉ lệ trúng thầu/giá trị gọi vốn là 57%, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ này các năm trước: Năm 2019 là 79,7%, năm 2020 là 76,5%, năm 2021 là 73,3%.

Lượng vốn huy động được qua kênh trái phiếu giảm mạnh, trong khi đó, Bộ Tài chính lại vừa có văn bản gửi đề nghị các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đảm bảo thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư; ưu tiên sử dụng mọi nguồn lực của chính doanh nghiệp để thực hiện đúng các cam kết với nhà đầu tư khi phát hành trái phiếu, đảm bảo giữ uy tín của doanh nghiệp với nhà đầu tư và trên thị trường.

Trong khi đó, trong 10 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp đã chủ động mua lại khối lượng trái phiếu trước hạn 152,5 nghìn tỉ đồng, tăng 49,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Còn đối với lượng trái phiếu đáo hạn trong thời gian tới, theo tính toán của TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, căn cứ theo quy mô phát hành giai đoạn 2018 - 2021 và thời hạn khoảng 4 năm thì khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong giai đoạn 2023 - 2025 là rất lớn, khoảng hơn 700.000 tỉ đồng (chưa tính lãi). “Lượng trái phiếu đáo hạn của các doanh nghiệp ngành này cũng rất lớn, nhất là 2 năm tới. Năm 2023 là khoảng 120.000 tỉ đồng và năm 2024 là khoảng 110.000 tỉ đồng mà chưa tính tiền lãi”, ông Lực ước tính.

Kiến nghị cho “quay vòng” trái phiếu

Tại cuộc họp do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chủ trì mới đây với các công ty chứng khoán và doanh nghiệp phát hành, ông Nguyễn Vũ Long - Tổng Giám đốc của VNDIRECT, cho biết nút thắt lớn nhất hiện nay đối với thị trường trái phiếu là dòng vốn thanh khoản của doanh nghiệp.

Không chỉ đại diện VNDIRECT, các đại diện doanh nghiệp khác cũng cho biết hiện các kênh huy động vốn của doanh nghiệp đều đang bị ách tắc. Chính vì vậy, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định nới room tín dụng thêm 1,5-2%, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) ngày 21.12 tiếp tục gửi kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về việc đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét khẩn trương tháo gỡ vướng mắc để giúp cho doanh nghiệp và người mua nhà được vay vốn ngân hàng.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng thêm 1,5-2% sẽ có thêm khoảng 240.000 tỉ đồng cộng với khoảng 200.000 tỉ đồng còn lại của room tín dụng 14% (cũ) bơm vào nền kinh tế.

Tuy nhiên, chỉ còn vài ngày nữa là hết năm 2022, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà vẫn rất khó vay vốn ngân hàng chủ yếu là do Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại không hạ “chuẩn” tín dụng, dẫn đến các ngân hàng thương mại “không dám” cho vay đối với một số trường hợp.

Đơn cử, doanh nghiệp xin vay khoản tín dụng mới, mặc dù có tài sản bảo đảm, nhưng không được ngân hàng thương mại chấp thuận do doanh nghiệp có khoản vay đáo hạn (dù chỉ thuộc nhóm 2, nhóm 3) chưa thanh toán nên không đạt chuẩn tín dụng.

Hoặc có trường hợp doanh nghiệp xin vay tín dụng mới và đề nghị được thế chấp bằng TPDN do doanh nghiệp đã hết tài sản bảo đảm cũng không được ngân hàng thương mại chấp thuận do ngân hàng không chấp thuận tài sản bảo đảm là trái phiếu nên không đạt “chuẩn” tín dụng.

Ông Lê Hoàng Châu cũng cho rằng, nếu doanh nghiệp có được khoản vay mới và được phép thế chấp bằng TPDN thì các doanh nghiệp có thể triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh, tạo được dòng tiền và thanh khoản thì hoàn toàn có thể hoàn trả khoản vay mới và các khoản vay cũ. Điều này có lợi cho cả doanh nghiệp và tổ chức tín dụng cùng “dìu” nhau vượt qua khó khăn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn