MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nỗ lực đóng điện 42 công trình điện phía Nam trong năm 2023

PHONG LINH LDO | 30/11/2023 18:47

Trước khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, Tổng Công ty điện lực Miền Nam đang nỗ lực thực hiện các giải pháp đưa các công trình điện hoàn thành đúng tiến độ.

Vì lợi ích chung

Thời gian qua, hàng loạt công trình điện được Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai thực hiện tại khu vực phía Nam đã góp phần đảm bảo điện sinh hoạt, sản xuất kinh doanh, phục vụ phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương.

Cụ thể, hơn 3 năm triển khai xây dựng, tháng 10.2022, công trình đường dây 220kV vượt biển Kiên Bình - Phú Quốc đã chính thức vận hành. Với chiều dài gần 85km, đây là đường dây 220kV vượt biển đầu tiên được đầu tư xây dựng tại Việt Nam với 170 trụ trên biển và đất liền. Cùng tháng, trạm biến áp 110kV Nam Phú Quốc (1x63MVA) với tổng mức đầu tư là 65,9 tỉ đồng cũng hoàn tất đưa vào vận hành.

Công trình đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc hoàn tất đưa vào vận hành tháng 10.2022. Ảnh: EVNSPC

Ông Huỳnh Quang Hưng - Chủ tịch UBND TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang - nhận định: "Có thể nói đây là chiến lược cũng như phát triển của ngành điện Việt Nam nói chung và Tổng Công ty điện lực miền Nam nói riêng khi cho phát triển các công trình điện nhằm cung cấp cho Phú Quốc. Đến năm 2030, thậm chí là năm 2040, các công trình sẽ đủ đáp ứng cho nhu cầu cung cấp điện, đặc biệt là cho du lịch và dịch vụ".

Theo đánh giá, hiện nay có nhiều tập đoàn kinh tế lớn đầu tư vào Phú Quốc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của thành phố tăng trưởng nhanh, đồng thời mở ra giai đoạn phát triển mới cho TP Phú Quốc, đặc biệt là lĩnh vực du lịch và dịch vụ. Mỗi năm, nơi đây cũng đón hơn 4 triệu lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Nhân viên kiểm tra kỹ thuật. Ảnh: Nguyên Anh.

Nhận thấy lợi ích chung, nhất là hướng tới mục tiêu không lo thiếu điện trong 15 năm tới, nhiều người dân Phú Quốc đã sớm bàn giao mặt bằng thi công dự án điện, trong đó có gia đình ông Nguyễn Thạch Phố (thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang). "Gia đình tôi thật sự chưa tính đến việc hưởng lợi trực tiếp từ các công trình điện, nhưng vì suy nghĩ cho cộng đồng, cho bà con ngoài đảo nên đã quyết định bàn giao nhanh", ông Phố chia sẻ.

Nỗ lực hoàn thành đúng tiến độ

Theo Tổng Công ty điện lực miền Nam, hiện đơn vị đã đầu tư nhiều dự án truyền tải, cung cấp điện cho các tỉnh thành trong khu vực. Tính đến tháng 11.2023, có 24/34 công trình đã khởi công; 28/42 công trình đã hoàn thành, tuy nhiên, chỉ mới có 25 công trình đóng điện.

Được biết, khó khăn của các công trình này là do công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn kéo dài. Điển hình như công trình Trạm biến áp An Hiệp và đường dây 110kV An Hiệp - Bến Tre có 344 hộ bị thu hồi đất nhưng đến nay còn 15 hộ chưa đồng ý nhận tiền, 4 hộ chưa giao mặt bằng.

Là gia đình bị có công trình điện đi qua, ông Phạm Ngô Sinh (xã Sơn Hòa, Châu Thành, Bến Tre) bày tỏ: "Tôi chỉ mong muốn được bồi thường cho thỏa đáng hoặc có được diện tích đất như vậy, vì với số tiền hiện tại vẫn rất khó khăn để mua đất ở nơi khác".

Trước vướng mắc trên, Tổng Công ty điện lực Miền Nam đang tích cực phối hợp với chính quyền 21 tỉnh, thành phía Nam đẩy mạnh công tác vận động, giải phóng, bàn giao mặt bằng và đặt mục tiêu đóng điện 42 công trình trong năm 2023.

Ông Nguyễn Duy An - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre) - chia sẻ: "Huyện sẽ kết hợp với xã thành lập tổ tuyên truyền vận động người dân bàn giao mặt bằng, đó là cách làm tối ưu nhất. Chúng tôi cũng hạn chế tới mức thấp nhất chế tài trong thu hồi đất triển khai thi công đường dây điện".

Theo ông Đào Hòa Bình, Giám đốc ban Quản lý dự án Điện lực miền Nam (Tổng Công ty Điện lực miền Nam), hiện lãnh đạo Tổng Công ty xem xét rất quyết liệt và đưa ra những văn bản giao, phân công nhiệm vụ cho tất cả các bộ phận liên quan để hỗ trợ Ban quản lý dự án với mục đích đưa các công trình điện ở miền Nam hoàn thành đúng tiến độ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn