MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TPHCM đang theo dõi sát thị trường, không để xảy ra tình trạng tăng giá hàng hóa đột biến. Ảnh: Ngọc Lê

Nỗ lực kiểm soát giá cả tại TPHCM

NGỌC LÊ LDO | 14/06/2024 06:00

Hiện nay, sức mua tại TPHCM vẫn giảm sút, một số mặt hàng lại có xu hướng tăng giá. Trước tình trạng này, các doanh nghiệp và Sở Công Thương TPHCM theo dõi sát thị trường, đưa ra các giải pháp nhằm trợ lực cho người tiêu dùng.

Tỉ giá USD tăng cao, giá nguyên liệu đầu vào tăng, điều chỉnh mức lương… đang tạo áp lực lên sản xuất. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho biết, không dễ tăng giá trong bối cảnh sức mua đang ở mức thấp.

Ông Nguyễn Đặng Hiến - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bridrico) cho biết, tháng 7 tới, doanh nghiệp phải tăng lương cho 700 lao động theo quy định và công ty thường có mức tăng cho người lao động cao hơn mức quy định. Thêm vào đó, giá nguyên liệu đầu vào tăng đều cấu thành vào giá thành sản phẩm.

Trước tình hình này, doanh nghiệp phải tiếp tục rà soát lại các khâu sản xuất, tiết giảm chi phí để không phải tăng giá bán thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Ngọc An - Tổng Giám đốc Công ty Vissan, công ty đã xây dựng các giải pháp chuẩn bị tốt nguồn nguyên liệu. Đồng thời, xây dựng các liên kết, hợp tác về nguồn nguyên liệu heo hơi với các đơn vị chăn nuôi lớn nhằm đảm bảo nguồn heo hơi ổn định trong dài hạn. Rà soát, đề ra mô hình mới cho hoạt động kinh doanh chợ truyền thống nhằm tăng cạnh tranh, phục vụ tốt hơn cho người tiêu dùng.

Tại các siêu thị cũng nhận được đề nghị tăng giá bán từ phía nhà cung cấp, do đó, các đơn vị cũng đang nỗ lực trì hoãn các đợt tăng giá nhằm giữ sức mua. Các hệ thống bán lẻ hiện đang rất tích cực cho các chương trình kích cầu.

Sở Công Thương TPHCM đã có chỉ đạo về việc tăng cường các biện pháp quản lý giá, cung cầu hàng hóa các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.

Trong đó, lãnh đạo Sở Công Thương cũng đề nghị doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường thực hiện nghiêm quy chế chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố như chủ động nguồn hàng, cung ứng sản lượng đủ, vượt số lượng đã đăng ký trong mọi tình huống. Đảm bảo hàng hóa tham gia chương trình đạt chất lượng, an toàn thực phẩm và bán đúng giá đăng ký đã được Sở Tài chính công bố…

Đối với hệ thống phân phối hiện đại, lãnh đạo Sở Công Thương yêu cầu các hệ thống dự báo nhu cầu thị trường, có kế hoạch dự trữ, cung ứng nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu dồi dào, phục vụ thị trường trong mọi tình huống.

Đại diện Sở Công Thương TPHCM cho biết, đơn vị cũng đang phối hợp các doanh nghiệp, hệ thống bán lẻ hiện đại… cung ứng hàng hóa giá tốt, nhiều ưu đãi, bình ổn thị trường nhằm trợ lực cho người tiêu dùng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn