MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hóa đơn chuyển tiền giả, có biểu hiện bất thường là các số trong giao dịch đậm hơn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nở rộ dịch vụ làm giả hóa đơn chuyển tiền, nhiều nạn nhân “ngậm đắng nuốt cay” mất tiền oan

Phùng Nhung LDO | 15/04/2023 09:12

Chiêu thức của đối tượng lừa đảo là mua hàng nhưng không trả tiền mặt mà yêu cầu chuyển khoản. Sau đó, các đối tượng làm giả hóa đơn xác nhận giao dịch chuyển tiền qua ngân hàng sau đó chiếm đoạt tài sản.

Mất tiền vì sơ sẩy

 
Anh Nguyễn Huy Hoàng (Hà Nội) - kinh doanh máy cơ khí bức xúc khi bị các đối tượng làm giả hoá đơn chuyển khoản tiền, lừa mất 3,5 triệu đồng.

Anh Hoàng cho biết, một đối tượng đến cửa hàng mua 2 máy cơ khí, người này không thanh toán trực tiếp mà gửi số tài khoản của anh cho một đối tượng khác ở nhà chuyển tiền. Các đối tượng làm giả hóa đơn rất tinh vi, có đầy đủ chi tiết giao dịch, thời gian, ngày giờ, tên người gửi, người thụ hưởng.

“Sau khi chuyển khoản xong tôi vẫn chưa nhận được tiền. Đối tượng lừa đảo lấy lý do công việc gấp nên cầm hàng hoá rời đi và hứa hẹn nếu chưa nhận được tiền sẽ liên lạc lại. Tôi cũng chủ quan nghĩ rằng, tài khoản của mình thường xuyên chậm thông báo nên không vấn đề gì. Đến tối tôi ra tận cây ATM gần nhà để kiểm tra vẫn không thấy tiền, gọi điện cho khách thì bị chặn số, lúc này tôi mới vỡ lẽ mình bị lừa” - nạn nhân kể lại.

Anh Nguyễn Trọng Kình (Bắc Ninh) cũng là nạn nhân của các đối tượng lừa đảo. Tuy nhiên số tiền bị lừa chỉ vài trăm nghìn nên cũng "ngậm đắng nuốt cay" cho qua. Kinh doanh mặt hàng nước uống, đối tượng mua hàng và thao tác làm hóa đơn giả ngay tại chỗ. Sau khi chuyển tiền xong, tài khoản vẫn chưa nhận được, nghĩ rằng chủ nhật ngân hàng sẽ chậm nên anh Kình để khách ra về. Đến tối không nhận được tiền anh mới biết mình bị lừa".

Tràn lan hội nhóm làm giả hoá đơn chuyển tiền, chiêu trò tinh vi 

Dịch vụ tạo giao dịch chuyển khoản ngân hàng giả xuất hiện tràn lan trên nền tảng Facebook. Chỉ cần tìm kiếm từ khoá “Fake bill chuyển khoản ngân hàng” sẽ hiển thị một loạt hội nhóm như “Làm bill chuyển tiền theo yêu cầu”; “Làm bill chuyển khoản giá rẻ 20k/1”; “Làm giả bill chuyển khoản ngân hàng”... Các hội nhóm này đều có số lượng người tham gia, theo dõi lớn, từ vài trăm người đến hàng chục nghìn người. Hoạt động mua bán hóa đơn giả diễn ra công khai, rầm rộ.

Trong vai người muốn mua hóa đơn chuyển khoản giả, phóng viên Báo Lao Động liên hệ với một tài khoản Facebook cung cấp dịch vụ này. Người này nhận làm giả hóa đơn mọi ngân hàng, giả hóa đơn MoMo, biến động số dư tài khoản…

Người bán chào hàng với mức giá tuỳ vào số tiền trên hóa đơn giả. Cụ thể: Làm giả từ 1 triệu đồng trở xuống phí là 70.000 đồng, trên 1 triệu đồng phí là 100.000 đồng, trên 10 triệu đồng phí là 150.000 đồng, đối với vài trăm triệu thì sẽ có mức phí 200.000 đồng và làm giả hóa đơn vài tỉ sẽ có mức giá 220.000 đồng.

Thủ tục đơn giản, chỉ cần cung cấp thông tin: Ngân hàng, người nhận, người gửi, nội dung, số tiền, ngày giờ. Người bán cam kết nhận hóa đơn trong vòng 10 - 15 phút, sau khi làm xong kiểm tra hóa đơn chuẩn rồi mới thanh toán. Để tăng độ tin cậy, các đối tượng gửi thêm một số ảnh hóa đơn giả đã làm trước đó và khẳng định giống thật 100%.

Phóng viên cũng liên hệ với một tài khoản Facebook khác có tên N.H.A, người này nhận làm hóa đơn với số lượng lớn và báo giá với chi phí 20.000 đồng/hóa đơn, 100 nghìn đồng/10 hóa đơn. Đối tượng này cho biết, bản thân tạo giao dịch giả trên website có tên “Jac****”.

Tại đây chỉ cần nhập thông tin, trang web sẽ trả về kết quả là hình ảnh hóa đơn chuyển khoản giống y như thật. Tuy nhiên, ở cuối hóa đơn chuyển khoản sẽ có dòng chữ có tên website là "Jac****". Ngoài ra, một số đối tượng khác sẽ sử dụng phần mềm chỉnh sửa ảnh để làm giả hóa đơn chuyển tiền.

Trước những chiêu trò tinh vi của các đối tượng lừa đảo, cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân nếu sử dụng giao dịch qua tài khoản ngân hàng cần lưu ý kỹ hóa đơn chuyển khoản, chỉ khi tiền đã vào tài khoản của mình mới tiếp tục thực hiện các giao dịch khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn