MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Năm 2022, EVN lỗ hơn 20.700 tỉ đồng sau kiểm toán. Ảnh: EVN

Nợ vay vượt 18 tỉ USD, EVN ngốn hơn 39 tỉ đồng/ngày để trả lãi

Đức Mạnh LDO | 13/07/2023 19:34

Năm 2022, nợ phải trả của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lên tới 440.814 tỉ đồng, tương đương 18,6 tỉ USD. Điều đáng chú ý là trong số 324.265 tỉ đồng nợ vay tài chính, tập đoàn này hoàn toàn không vay từ ngân hàng.

EVN vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 với nhiều điểm nhấn đáng chú ý.

Kết thúc năm tài chính 2022, nợ phải trả của tập đoàn lên tới 440.814 tỉ đồng, tương đương 18,6 tỉ USD, giảm 3,6% so với năm trước đó. Con số này gấp 1,9 lần vốn chủ sở hữu và bằng 66% tổng tài sản.

Trong đó bao gồm 159.959 tỉ đồng nợ ngắn hạn và 280.885 tỉ đồng nợ dài hạn. Nợ vay tài chính chiếm 73%, tương đương 324.265 tỉ đồng, giảm 7,6% sau một năm. Dù nợ vay tài chính giảm nhẹ nhưng chi phí lãi vay mà EVN phải trả trong năm 2022 lại tăng hơn 800 tỉ đồng so với cùng kỳ lên 14.504 tỉ đồng. Điều này đồng nghĩa mỗi ngày, doanh nghiệp phải chi ra hơn 39 tỉ đồng để trả lãi.

Điều đáng chú ý, trong thuyết minh các khoản vay của EVN không xuất hiện một ngân hàng nào mà toàn bộ là vay công ty mẹ và các công ty con. Bên cạnh đó, tập đoàn này đang có số nợ phải trả cho các nhà cung cấp, bán điện khá lớn với tổng số tiền nợ ngắn hạn 79.143 tỉ đồng.

Cũng trong báo cáo tài chính, Kiểm toán Deloitte nhấn mạnh về việc EVN có một số khoản nợ công tiềm tàng. Trong đó có khoản liên quan tới dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

EVN hiện vay công ty mẹ số tiền lớn nhất là hơn 132.445 tỉ đồng. Ảnh chụp báo cáo tài chính

Khép lại năm 2022, EVN ghi nhận doanh thu thuần tăng gần 9% so với năm trước lên 463.000 tỉ đồng. Trong đó, doanh thu bán điện chiếm đến 98,6%, tăng 9,3% so với năm trước.

Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng 16% lên 452.420 tỉ đồng đã bào mòn lợi nhuận gộp của tập đoàn, giảm 72% còn 10.579 tỉ đồng. Doanh thu tài chính giảm một nửa xuống 7.382 tỉ đồng do chênh lệch tỉ giá. Những yếu tố này đã dẫn đến khoản lỗ sau thuế hơn 20.747 tỉ đồng. Lỗ ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ là 22.256 tỉ đồng.

Xét trong 5 năm gần nhất, doanh thu thuần của EVN liên tục tăng trưởng 36% (năm 2018, doanh thu thuần đạt hơn 338.500 tỉ đồng, năm 2022 lên đến 463.000 tỉ đồng). Song song với đó là lợi nhuận sau thuế cải thiện từ 6.818 tỉ đồng năm 2018 lên 14.725 tỉ đồng năm 2021, trước khi quay đầu lỗ lớn nhất lịch sử trong năm vừa qua.

Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của EVN liên tục tăng trưởng trong những năm qua trước khi quay đầu lỗ đậm vào 2022. Đồ hoạ: Đức Mạnh

Tính đến thời điểm 31.12.2022, EVN lỗ lũy kế 13.336 tỉ đồng. Điều này khiến vốn chủ sở hữu suy giảm hơn 9% xuống 225.396 tỉ đồng. Tổng tài sản giảm 39.000 tỉ đồng còn 666.165 tỉ đồng. Điểm nhấn là EVN hiện nắm giữ tổng cộng hơn 101.588 tỉ đồng tiền mặt, tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn và có kỳ hạn. Qua đó thu về 3.724 tỉ đồng lãi tiền gửi trong năm qua.

Bộ Công Thương vừa công bố kết luận thanh tra chuyên ngành về cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị có liên quan đến cung cấp điện. Kết luận thanh tra đã chỉ rõ những vi phạm, khuyết điểm của EVN và các đơn vị liên quan.

Cụ thể, EVN và các đơn vị liên quan chậm đầu tư, hoàn thành nguồn và lưới điện; chậm khắc phục sự cố tổ máy của một số nhà máy nhiệt điện làm giảm khả năng cung cấp điện;

Không chấp hành nghiêm Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các quyết định, chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương về kế hoạch cung ứng điện, biểu đồ cung cấp nhiên liệu cho sản xuất điện làm bị động trong việc chuẩn bị nguồn điện, giảm dự phòng an ninh năng lượng;

Điều độ, vận hành hệ thống điện mất cân đối trong huy động các loại hình nguồn điện trong nhiều thời điểm; vi phạm trong chỉ đạo, điều hành, lập lịch, điều độ vận hành hệ thống điện quốc gia mùa khô năm 2023.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn