MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tỉ lệ nợ xấu tăng từ 1,6% lên 1,9% trong quý I/2023. Đồ hoạ: ĐỨC MẠNH

Nợ xấu mới hình thành trong quý I lên cao nhất 5 năm

ĐỨC MẠNH LDO | 13/05/2023 20:50

Chất lượng tài sản của các ngân hàng có sự suy giảm trong quý I/2023 với tỉ lệ nợ nhóm 2 tăng mạnh. Trong khi đó, hiện chỉ còn 9/27 ngân hàng có tỉ lệ bao phủ nợ xấu trên 100%

Chất lượng tài sản dần suy giảm 

Thống kê của FIDT cho thấy, chất lượng tài sản của các ngân hàng có sự suy giảm trong quý I/2023. Tỉ lệ nợ nhóm 2 tăng mạnh ở tất cả các ngân hàng là dấu hiệu cho thấy chất lượng nợ yếu dần từ quý IV/2022.

Theo chuyên gia của FIDT, nợ xấu mới hình thành trong quý I ở mức cao nhất 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, các ngân hàng không mạnh tay xử lí như giai đoạn quý IV/2022 dẫn đến tỉ lệ nợ xấu tăng từ 1,6% lên 1,9% trong quý I/2023.

Dù chi phí trích lập dự phòng trong quý I giảm mạnh so với quý trước nhưng chất lượng tài sản và tình hình của các ngân hàng đang kém khả quan hơn.

Trong khi đó, tỉ lệ bao phủ nợ xấu là chỉ số quan trọng để đánh giá ngân hàng trong giai đoạn hiện nay khi rủi ro chất lượng tín dụng hệ thống suy giảm. Cụ thể, tỉ lệ nợ xấu gia tăng tại các ngân hàng thương mại tại thời điểm cuối quý I và cách xử lí thiếu quyết liệt của các ngân hàng tác động tiêu cực đến tỉ lệ bao phủ nợ xấu. Hiện tại chỉ còn 9/27 ngân hàng có tỉ lệ bao phủ nợ xấu trên 100%. Trong đó 10 ngân hàng có tỉ lệ bao phủ nợ xấu giảm về dưới 50%.

Tỉ lệ nợ xấu vẫn có thể được kiểm soát 

Chuyên gia từ FIDT đánh giá dù kết quả kinh doanh của các ngân hàng có sự cải thiện trong quý I/2023, nhưng với chất lượng tài sản suy giảm như hiện tại cũng như chưa phản ánh chuẩn xác tình hình của chất lượng nợ. Các ngân hàng thương mại sẽ phải trích lập nhiều hơn trong các quý tới, từ đó ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.

"Ngành ngân hàng còn chịu áp lực trong 2 quý đầu năm 2023 với việc áp lực trích lập dự phòng gia tăng. Hai quý tiếp theo phụ thuộc nhiều các biện pháp hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản trong 2 quý đầu năm. Nếu tình hình như hiện tại vẫn còn kéo dài, các ngân hàng với bộ đệm rủi ro yếu sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian sắp tới" - chuyên gia cho biết.

Ông Quản Trọng Thành - Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phân tích tại Chứng khoán MayBank Kim Eng - nhận định: "Tôi cho rằng, tỉ lệ nợ xấu ngân hàng có thể kiểm soát được. Chưa kể gần đây có những chính sách quản lí để nợ xấu không nhảy lên một cách đột biến. Cộng với bộ đệm dự phòng đủ để xử lí vấn đề nợ xấu trong vòng 1 - 1,5 năm, tức là bao gồm phần dự phòng đã trích lập và khả năng sinh lời vẫn đang tốt".

Theo ông Thành, nhìn vào khả năng sinh lời của ngân hàng, biên lãi ròng (NIM) bình quân khoảng 4,4% trong năm 2022. Quý I vừa qua dù chi phí huy động vốn tăng nhưng biên lãi ròng bình quân vẫn khoảng 4,1%. Nếu trừ đi chi phí hoạt động, lãi ròng thực sự trên tài sản vẫn từ 1,8 - 2%. Do đó ngân hàng đủ sức sử dụng 1,8 - 2% để xóa sạch phần nợ xấu từ bất động sản. 

Trước xu hướng gia tăng của nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước vừa qua đã ban hành Thông tư 02 cho phép ngân hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với cho vay hoạt động sản xuất kinh doanh và cho vay tiêu dùng. Giới chuyên gia tin rằng, Thông tư 02 sẽ là "cứu cánh" giúp giảm thiểu áp lực nợ xấu và áp lực trích lập dự phòng của các ngân hàng.

Thông tư này sẽ giúp ngân hàng giảm áp lực lên bảng cân đối kế toán bằng cách trì hoãn sự tăng lên của tỉ lệ nợ xấu và giảm bớt áp lực trích lập dự phòng. Những điểm tích cực này có thể kéo dài sang nửa cuối năm 2024. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn