MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp đang cạn dòng tiền để trả nợ trái phiếu. Ảnh: Anh Dũng

Nợ xấu trái phiếu ngày càng tăng cao

Gia Miêu LDO | 15/04/2023 09:43

Tỉ lệ nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp đang tăng lên chủ yếu do các công ty chưa niêm yết liên quan đến bất động sản có hệ số đòn bẩy cao, dòng tiền hạn chế và không đủ nguồn tiền mặt để trả nợ.

Báo cáo về tình hình thị trường trái phiếu vừa được Công ty Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) đã cho thấy bức tranh không khả quan về tỉ lệ nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp khi tỉ lệ này đã tăng lên gần 10% tính đến tháng 3.2023, từ mức 1,2% vào cuối tháng 9.2022.

Ước tính này không bao gồm những trường hợp không đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán trái phiếu doanh nghiệp công bố trước tháng 9.2022 và các trường hợp trái phiếu vi phạm chéo điều kiện thanh toán nghĩa vụ trái phiếu.

Đáng chú ý số trường hợp không đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán trái phiếu có liên quan tới lĩnh vực kinh doanh bất động sản, chủ yếu là các công ty chưa niêm yết thuộc các tập đoàn bất động sản lớn lớn, có đòn bẩy tài chính cao, dòng tiền hạn chế và không đủ nguồn tiền mặt để trả lãi hoặc nợ gốc trái phiếu khi đến hạn. Tỉ lệ nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp của ngành bất động sản là 17% vào cuối tháng 3.2023.

Gần 95% trường hợp không đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán là do các tổ chức phát hành trái phiếu không thực hiện thanh toán lãi trái phiếu khi tới hạn thanh toán. Điều này phản ánh các doanh nghiệp này có dòng tiền mặt yếu. 

VIS Rating ước tính tổng số nợ vay của của các doanh nghiệp không đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán là 41.000 tỉ đồng. VIS Rating xác định có 88 tổ chức phát hành trái phiếu đang đối mặt với nguy cơ không đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán do sức khỏe tài chính yếu, và khả năng cao các doanh nghiệp này không có đủ nguồn tiền mặt để đáp ứng nghĩa vụ trả nợ trái phiếu đáo hạn sắp tới.

Nợ xấu trái phiếu nhóm ngành bất động sản đang tăng cao. Ảnh: Gia Miêu 

Các chuyên gia của VIS Rating cho biết, ước tính khoảng 113.000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong quý II tới quý IV/2023 có nguy cơ không đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán. Các doanh nghiệp chưa niêm yết liên quan đến bất động sản với dòng tiền yếu và nguồn tiền mặt hạn chế có rủi ro cao nhất.

Trong điều kiện thị trường không thuận lợi, tâm lý nhà đầu tư yếu, e ngại rủi ro lan tới các ngân hàng, các công ty này sẽ gặp khó khăn trong việc huy động vốn để trả nợ trái phiếu đáo hạn khi thiếu hụt dòng tiền. Nhiều nhóm tập đoàn lớn có lượng trái phiếu lớn đáo hạn vào năm 2023. Do đó, khả năng hỗ trợ trả nợ trái phiếu cho các công ty liên quan bị hạn chế, VIS Rating đánh giá.

Tình trạng doanh nghiệp thiếu "dòng tiền", thiếu "thanh khoản" là nghiêm trọng, do đó nhiều chuyên gia cho rằng rất cần thiết bổ sung thêm một số giải pháp về tín dụng. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh đưa ra kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép các ngân hàng thương mại đồng ý để doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn (có tài sản bảo đảm, có dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất) được vay tái cấu trúc các khoản nợ trái phiếu sắp đến hạn.

Khoản vay có thể xem xét không vượt quá 70% giá trị gói trái phiếu đã phát hành. Không chỉ vậy, ông Châu cũng mong muốn các ngân hàng thương mại được phép nhận thế chấp bằng chính gói trái phiếu này cùng các tài sản bảo đảm khác để phát hành gói trái phiếu đó. Việc phát hành sẽ theo phương thức ngân hàng thương mại giải ngân trực tiếp đến các trái chủ. Đối với 30% giá trị gói trái phiếu đã phát hành, ông Lê Hoàng Châu đề nghị doanh nghiệp và các trái chủ thỏa thuận, đàm phán với nhau theo quy định tại Nghị định 08.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn