MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vùng cam sành Hàm Yên (Tuyên Quang) đang đứng trước những nguy cơ mai một thương hiệu khi diện tích và sản lượng đang sụt giảm. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Nỗi buồn cam sành Hàm Yên: Điều chỉnh để thích ứng

Nguyễn Tùng - Nguyễn Hoàn LDO | 21/12/2022 08:38

Tuyên Quang - Cây cam sành vẫn là cây trồng chủ lực trong định hướng phát triển nông nghiệp bền vững của tỉnh Tuyên Quang. Điều đó cũng đã đã đặt ra những yêu cầu cần có điều chỉnh phù hợp để giữ vững thương hiệu loại trái cây này.

Nhiều cái khó

Như Lao Động đã có loạt bài phản ánh về tình trạng diện tích và sản lượng vùng cam sành Hàm Yên đang có chiều hướng sụt giảm trong khi giá bán thì liên tục thất thường mỗi năm.

Việc này đã khiến nhiều người nông dân ở vùng cam sành không còn mặn mà với cây trồng vốn được xem là chủ lực, cho giá trị kinh tế cao này. Nhưng quan trọng hơn nguy cơ mất thương hiệu loại trái cây đã mất rất nhiều công sức để gây dựng đang chực chờ nếu không có những giải pháp kịp thời.

Trao đổi với PV về nội dung này, ông Trần Hải Tuyên - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NNPTNT Tuyên Quang) thừa nhận có tình trạng sụt giảm diện tích cây cam sành.

Khi cây cam được mùa được giá thì có tình trạng người dân ồ ạt mở rộng diện tích vượt ra khỏi vùng đã quy hoạch. Nhưng khi cung lớn hơn cầu, giá quả cam xuống thấp thì dẫn tới thiệt hại có thể nhìn thấy.

Giá cam sành năm nay đang ở mức thấp trong khi chi phí đầu tư thì cao . Ảnh: Nguyễn Hoàn

“Luật quy định rõ rồi, người dân chỉ cần sử dụng đất đúng mục đích hiệu quả và bền vững. Người ta nhìn thấy cây cam cho thu hoạch hàng trăm triệu mỗi ha thì không có lý gì họ không mở rộng, mình cũng không cấm được.

Chúng tôi cũng chỉ biết tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu. Tuy nhiên không phải người nào cũng nghe" - ông Tuyên cho hay.

Theo quy hoạch của tỉnh Tuyên Quang, tổng diện tích cam sành đến thời điểm hiện tại phải là 8.000 ha nhưng thực tế mới chỉ đạt hơn 7.000 ha. Cây cam vẫn đang cho giá trị khá tốt so với cây trồng khác nhưng chi phí đầu vào lớn khiến người nông dân có xu hướng chuyển qua cây trồng khác.

Ông Tuyên cho rằng: "Vài năm qua, giá vật tư như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao trong khi giá cam thì có xu hướng chững lại thậm chí xuống thấp. Sau khi trừ chi phí, người trồng thu về lãi thấp hoặc không có lãi, đơn cử như giá cam hiện tại chỉ ở mức 4.000 đến 7.000 đồng/kg".

Trong khi cây cam sau thời gian thu hoạch từ 7-8 năm thì bắt đầu cỗi, sâu bệnh. Giá cam thấp cộng với năng suất kém đã khiến nhiều người bỏ mặc cả ha cam không chăm sóc, thậm chí chặt bỏ để trồng một số loại cây trồng khác.

Điều chỉnh để thích ứng

Theo Quyết định số 358 năm 2021 của UBND tỉnh Tuyên Quang về phê duyệt Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp định hướng đến 2030 thì cây cam sành vẫn là một trong những cây trồng chủ lực. Diện tích cây cam sẽ duy trì ổn định trên 8.300 ha với sản lượng trên 102 nghìn tấn quả/năm.

Rõ ràng trong bối cảnh vùng cam sành Hàm Yên đang phải đối mặt với những vấn đề thực tại thì để đạt được các mục tiêu đó là thách thức không nhỏ và cần có những điều chỉnh kịp thời.

Những thách thức đặt ra cho vùng cam sành Hàm Yên khi diện tích liên tục bị sụt giảm. Ảnh: Nguyễn Hoàn

Ông Trần Hải Tuyên cho rằng, việc kêu gọi đầu tư xây dựng kho bảo quản, nhà máy chế biến thì là khó rồi. Trước kia đã từng có nhà đầu tư về khảo sát nhưng thấy không phù hợp nên dự án đã bị dừng.

"Cả về diện tích và sản lượng cây cam tại Tuyên Quang chưa đủ để phục vụ chế biến công nghiệp. Thời gian thu hoạch cũng chỉ hơn 3 tháng, trong khi vùng nguyên liệu lại không có sẵn. Nhà đầu tư họ đã nhìn thấy vấn đề đó" - ông Tuyên chia sẻ.

Giải pháp trước mắt của ngành nông nghiệp Tuyên Quang vẫn là tiếp tục tuyên truyền người dân cần tiếp tục duy trì diện tích trồng cam hiện tại, không khuyến khích mở rộng ra những xã, địa phương không nằm trong vùng quy hoạch.

Những túi cam đang chờ thương lái thu mua, Tuyên Quang vẫn chưa có cơ sở chế biến tại chỗ ở quy mô công nghiệp với loại trái cây này. Ảnh: Phùng Minh.

Những diện tích cam đã già cỗi, sâu bệnh thì có thể chặt bỏ trồng một số loại cây khác để cải tạo đất. Nhưng sau đó vẫn định hướng trồng cam bởi khí hậu và thổ nhưỡng tại Hàm Yên phù hợp cho loại cây trồng này.

Tuy theo khu vực, ngành nông nghiệp có định hướng trồng thêm cam Vinh, cam V2. Ngoài ra còn có các loại cây táo, thanh long để đa dạng về sản phẩm nông nghiệp và đảm bảo yếu tố luôn phiên mùa vụ.

Ông Tuyên thông tin thêm: "Quả cam sành đã có thương hiệu, có chỉ dẫn địa lý vì thế chúng tôi kiên quyết phải duy trì và giữ bằng được. Trước mắt vẫn sẽ là đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ để nâng giá trị. Có như vậy người dân mới không quay lưng lại với cây cam".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn