MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự kiến tháng 8.2020 Việt Nam sẽ nối lại các đường bay quốc tế (ảnh minh hoạ). Ảnh: H.Anh

Nối lại các đường bay quốc tế: Vẫn phụ thuộc vào chính thị trường quốc tế

Đặng Tiến LDO | 20/07/2020 14:20

Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, thị trường nội địa hàng không Việt Nam đã được phục hồi. Tuy nhiên, ngành hàng không chỉ phục hồi 100% khi thị trường quốc tế mở cửa. Vậy, ngành hàng không sẽ phải chuẩn bị những gì cho việc mở trở lại các đường bay quốc tế?

Phải đảm bảo an toàn

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn, hiện Bộ sẽ làm việc để thống nhất với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Lào, Campuchia kế hoạch vận chuyển giữa Việt Nam với các nước, dự kiến đầu tháng 8.2020 có thể thực hiện chuyến bay thường lệ đầu tiên. Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, ngoài các chuyến bay giải cứu công dân, chuyến bay thuê chuyến chở chuyên gia từ các địa điểm khác trên thế giới vào Việt Nam sẽ chở từ 1.000-1.500 hành khách. Dự kiến mỗi tuần sẽ có từ 2.500-3.000 hành khách được đưa vào Việt Nam trên các chuyến bay thường lệ.

Tuy nhiên, việc mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế cũng đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, hiện chưa có bộ hướng dẫn chính thức của Bộ Y tế về quy trình kiểm dịch y tế đối với khách từ nước ngoài vào Việt Nam trong khi Bộ hướng dẫn này là tài liệu cần thiết để nhà chức trách hàng không trao đổi với nhau, bên cạnh các trao đổi về khai thác hàng không.

Do đó, Bộ Y tế cần khẩn trương ban hành Bộ hướng dẫn kiểm dịch y tế đối với hành khách nhập cảnh Việt Nam áp dụng và phục vụ quá trình đàm phán với các đối tác về công tác phòng, chống dịch COVID-19 đối với chuyến bay và Bộ hướng dẫn kiểm dịch đối với nhân viên hàng không.

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho rằng, việc thiết lập các chuyến bay thường lệ quốc tế trên cơ sở có đi có lại còn phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài. Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan trao đổi với các nước về kế hoạch mở lại các đường bay. Theo đánh giá, phần lớn các nước sẽ có phản hồi tích cực về đề nghị mở lại đường bay của phía Việt Nam.

Theo ông Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, thế giới vẫn còn nhiều điểm bùng nổ dịch chưa kiểm soát được, chưa kể những khu vực có nguy cơ tái bùng phát dịch. Kể cả khi dịch có lắng xuống mà chưa có vaccine thì khó có thể yên lòng. Do đó, việc mở lại đường bay quốc tế được các quốc gia ứng xử rất khác nhau. Có nước thận trọng, đánh đổi kinh tế để đảm bảo an toàn. Nhưng cũng có những quốc gia mở cửa nên sẽ cần phải có những dàn xếp, thoả thuận, mở cửa dần dần.

Mặc dù vậy, PGS.TS Trần Đình Thiên cũng đưa ra nhận định rằng, hết mùa hè này, nhiều nước sẽ mở cửa. Việt Nam với kinh nghiệm chống dịch của mình cũng cần tích cực hơn, chủ động hơn trong việc nghiên cứu mở lại đường bay quốc tế, tạo đà cho phát triển kinh tế song vẫn đảm bảo an toàn.

Đồng quan quan điểm trên, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, thị phần khách quốc tế ta có thể hướng đến thị trường Đông Bắc Á trước, sau đó là Đông Nam Á, tiếp theo là Châu Âu để phát triển du lịch. Hiện, Chính phủ đang tìm phương án để lọc dần và tìm cách đón khách ngoại quốc vào Việt Nam.

Cũng theo TS Lê Xuân Nghĩa, khách quốc tế trước khi đi du lịch cần kiểm tra sức khỏe, nếu âm tính với COVID-19 tại thời điểm đi thì được đăng ký đi du lịch. Khi khách nhập cảnh sẽ kiểm tra sức khỏe lần hai, nếu âm tính thì được nhập cảnh. Sau đó, tiếp tục cách ly và kiểm tra lần ba. Nếu làm được như vậy thì có thể đón khách Đông Bắc Á, Đông Nam Á và đảm bảo an toàn.

Xây dựng nhóm đi lại an toàn

Theo Bộ GTVT, hiện nay phần lớn các quốc gia/vùng lãnh thổ đang duy trì việc kiểm soát hoạt động vận chuyển hành khách quốc tế bằng hàng không theo các nguyên tắc chỉ cho phép nhập cảnh đối với công dân mình; người nước ngoài có thẻ cư trú, một số đối tượng đặc biệt (thương gia, chuyên gia kỹ thuật, sinh viên...) được phép nhập cảnh khi được nhà chức trách phê duyệt. Sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và các bên tăng tần suất, số đường bay, Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các hãng hàng không tăng tần suất khai thác.

Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, trên thế giới, một số quốc gia đang nghiên cứu khả năng xây dựng nhóm quốc gia đi lại an toàn (Travel Bubble - di chuyển nội khối hoặc hành lang di chuyển). Theo đó, những quốc gia/vùng lãnh thổ đã có kết quả kiểm soát dịch COVID-19 mang tính khả quan sẽ từng bước mở việc đi lại với nhau. Do đó, trước mắt, có thể nghiên cứu việc mở dần với từng quốc gia/vùng lãnh thổ hoặc tham gia từng nhóm quốc gia đi lại an toàn (Travel Bubble) nhưng mới hạn chế chỉ ở nguồn khách đi lại trực tiếp trong nội vùng, chưa cho phép vận chuyển khách nối chuyến từ các nước thứ 3 ngoài vùng để đảm bảo việc kiểm soát nguồn khách.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan đại diện ngoại giao hỗ trợ làm việc với cơ quan chức năng của các nước để tạo thuận lợi cấp phép cho các chuyến bay và đảm bảo đúng đối tượng vận chuyến. Các đối tượng trên nếu nhập cảnh phải cách ly 14 ngày tại gia đình (đăng ký với chính quyền) hoặc cơ sở lưu trú do chính quyền chỉ định (có thu phí); việc tự cách ly tại gia được chính quyền áp dụng chặt chẽ bằng biện pháp công nghệ để kiểm soát đối tượng.

Theo Giám đốc Tiếp thị sản phẩm, Tập đoàn Boeing - ông Jim Haas, các chuyến bay nội địa sẽ được khôi phục lại trước, bởi trong nước không bị hạn chế bởi quy định cách ly. Trong khi đó, các chuyến bay quốc tế khi đến vẫn còn phải áp dụng thời gian cách ly nên sẽ khó khăn hơn.

“Các chuyến bay quốc tế sẽ từng bước được khôi phục lại tùy thuộc vào từng quốc gia khi các nước gỡ bỏ yêu cầu cách ly sau khi đến sân bay. Theo một khảo sát, hiện nay hành khách đang có tâm lý e ngại đối với việc di chuyển bằng máy bay bởi nỗi lo bị lây nhiễm trong quá trình di chuyển và phải cách ly một thời sau khi đến sân bay điểm đến,” ông Jim Haas cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn