MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nỗi lo suy thoái kinh tế ám ảnh thị trường tài chính thế giới

Quý An (theo Nasdaq) LDO | 20/12/2022 15:29
Trước những chính sách chống lạm phát cứng rắn, giới đầu tư đang lo ngại về viễn cảnh suy thoái kinh tế.

Chứng khoán Mỹ vừa ghi nhận tuần giảm điểm một lần nữa sau các động thái chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB). Giới đầu tư đang lo ngại trước tình hình đó, nền kinh tế sẽ bị đẩy đến suy thoái.

Mới đây, FED và ECB đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, cũng bỏ ngỏ khả năng sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ. Dù thừa nhận rằng đã có một số dấu hiệu cho thấy lạm phát hạ nhiệt, song Chủ tịch FED Jerome Powell vẫn bày tỏ quan điểm cứng rắn cho công cuộc chống lạm phát. Hệ quả là các chỉ số chính của Phố Wall tiếp tục lao dốc. Chỉ số Dow Jones Industrial Average trượt 1,66% (giảm 9,41% từ đầu năm đến nay), tương đương 556 điểm. S&P 500 mất 2,08% (giảm 19,17% so với đầu năm) trong khi Nasdaq Composite giảm 2,72% xuống 10.705,41 (giảm 31,57% so với đầu năm).

Nỗi lo suy thoái kinh tế đang bao trùm Phố Wall. Ảnh: Xinhua

Không chỉ ở Mỹ, giới đầu tư ở Châu Âu cũng có lí do để lo lắng. Các chỉ số chứng khoán ở Châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với Mỹ khi Chủ tịch ECB Christine Lagarde còn bày tỏ quan điểm thậm chí còn cứng rắn hơn người đồng cấp Powell. Cụ thể, bà Lagarde báo hiệu sẽ thắt chặt hơn chính sách tiền tệ khi phía trước, nguy cơ lạm phát vẫn còn cao. Chỉ số MSCI EMU đã giảm 3,24% so với tuần trước (giảm 14,51% so với đầu năm). FTSE giảm 1,93%, rơi vào vùng tiêu cực trong năm (giảm 0,71%).

Về phần Châu Á, chính phủ Trung Quốc đang thực hiện gói hỗ trợ trị giá hơn 1.000 tỉ Nhân dân tệ (143 tỉ USD) để giúp ngành công nghiệp bán dẫn của nước này vượt qua các hạn chế của Hoa Kỳ đối với việc nhập khẩu chip. Dù vậy, chỉ số Shanghai Composite đã đứt chuỗi 6 tuần tăng liên tiếp, giảm 1,22%, hiệu suất so với đầu năm là âm 12,97%. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản cũng không khá khẩm hơn khi giảm 1,34% trong tuần (giảm 4,39% so với đầu năm).

Trước tình hình ảm đạm của chứng khoán Mỹ, năng lượng là lĩnh vực thuộc chỉ số S&P duy nhất có sắc xanh trong tuần này (tăng 1,72%) và vẫn là lĩnh vực hoạt động tốt nhất từ đầu năm đến nay (tăng 51,46%), vượt xa bất kỳ nhóm cổ phiếu nào khác.

Thị trường chứng khoán Mỹ đang rơi vào tình cảnh ảm đạm. Ảnh: Xinhua

Trong khi đó, các cổ phiếu tăng trưởng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi chính sách thắt chặt tiền tệ của FED. Ngành công nghệ thông tin mất 2,67%, đè nặng bởi cổ phiếu Apple (APPL, giảm 5,38% trong tuần). Cổ phiếu ngành truyền thông cũng chịu áp lực (giảm 2,47%) với sự rơi tự do của cổ phiếu Netflix (NFLX, giảm 9,16%). Lĩnh vực tiêu dùng có hiệu suất kém nhất (giảm 3,63%) khi cổ phiếu Tesla (TSLA) lao dốc (giảm 16,10%) sau khi tỉ phú Elon Musk bán thêm khoảng 22 triệu cổ phiếu trong doanh nghiệp xe điện của mình với giá 3,6 tỉ USD.

Bên cạnh đó, lợi tức trái phiếu kì hạn 10 năm của Kho bạc Mỹ giảm từ 3,59% xuống 3,49% do các nhà đầu tư đang lo ngại chiến dịch tăng lãi suất của FED có thể dẫn đến suy thoái kinh tế nghiêm trọng. Tương tự, lợi suất trái phiếu kì hạn 2 năm mất 14 điểm cơ bản, từ 4,34% xuống 4,20%. Hợp đồng tương lai của Quỹ FED đóng cửa ở mức 95,16 (tháng 5.2023).

Ở chiều hướng ngược lại, tại Châu Âu, lợi suất trái phiếu kì hạn 10 năm của Đức tăng từ 1,93% lên 2,15%. Lợi suất trái phiếu của chính phủ Pháp (OATs) kì hạn 10 năm cũng tăng 30 điểm cơ bản từ 2,39% lên 2,69% trong khi Hợp đồng tương lai Gilt kì hạn 10 năm của Anh tăng 15 điểm cơ bản từ 3,18% lên 3,33%.

Sự bất đối xứng giữa lợi tức Kho bạc Hoa Kỳ và Châu Âu có tác động mạnh đến khắp các trái phiếu đầu tư doanh nghiệp. Chỉ số IBOXX € Liquid Corporates đã giảm 1,31% trong tuần (giảm 12,46% so với đầu năm) trong khi Chỉ số trái phiếu doanh nghiệp hạng đầu tư IBOXX Ishares $ tăng 0,23% (giảm 15,23% so với đầu năm). Trái phiếu lợi tức cao mất 0,37% ở châu Âu (Chỉ số IBOXX € Liquid High Yield Index giảm 9,16% so với đầu năm) và 0,17% ở Hoa Kỳ (Chỉ số giới hạn năng suất cao của Markit iBoxx USD giảm 7,57% so với đầu năm).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn