MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Huỳnh Hoàng Phương – Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích của FIDT. Ảnh: Đức Mạnh.

Nới lỏng điều kiện vay để tiền chảy vào nền kinh tế

Lan Hương (thực hiện) LDO | 17/06/2023 12:54

Ngày 16.6, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất điều hành lần thứ 4 trong vòng vài tháng qua. Phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc trò chuyện với ông Huỳnh Hoàng Phương - Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích của FIDT.

Ông đánh giá động thái hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước như thế nào?

Theo tôi, việc tiếp tục hạ lãi suất điều hành là tích cực. Tuy nhiên, câu chuyện quan trọng hơn ở giai đoạn hiện tại là nới lỏng một số điều kiện tín dụng hơn là việc hạ lãi suất điều hành.

Câu chuyện tín dụng không ra được nền kinh tế thời gian qua không chỉ do yếu tố lãi suất cao mà còn do điều kiện tín dụng ở nhiều ngân hàng khá chặt.

Sau đợt dịch COVID-19 và câu chuyện trái phiếu vừa qua, nhiều khách hàng không đáp ứng được điều kiện tín dụng để vay chứ không phải chỉ do câu chuyện lãi suất.

Thứ hai, lãi suất thị trường 2 ở Việt Nam giảm nhưng tác động đến lãi suất của thị trường 1 đối với nền kinh tế lại là vấn đề khác. Quy định về áp trần lãi suất huy động 12 tháng vốn có tác động lớn hơn đến lãi suất cho vay và được thị trường kỳ vọng thì không thấy được đề cập tới.

Theo ông, việc duy trì lãi suất thấp trong bối cảnh FED và ECB liên tục tăng lãi suất cao có phải là chính sách tốt?

Dư địa giảm lãi suất ở Việt Nam là có. Thị trường lúc đầu lo ngại dòng vốn chảy ra vì lãi suất liên ngân hàng VND thấp hơn lãi suất USD. Tuy nhiên, nếu nhìn tổng thể cán cân thanh toán năm nay thì xu hướng cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục thặng dư lớn, vốn FDI vẫn chảy vào ròng, cán cân dịch vụ đặc biệt sẽ giảm áp lực trong năm nay sau khi du lịch Việt Nam mở cửa trở lại.

Năm nay, USD dự báo sẽ vào ròng. Ngân hàng Nhà nước đang mua USD tăng dự trữ và câu chuyện này ngược chiều chính sách với Fed hay ECB. Câu chuyện tỷ giá sẽ không “căng” như quý 4 năm 2022.

Hiện tại, chu kỳ kinh tế đang có hiện tượng lệch pha. Fed nâng lãi suất cao nhưng một số nước có nền kinh tế mới nổi như Việt Nam và một số quốc gi khác duy kì lãi suất thấp. Theo tôi, Việt Nam vừa trải qua giai đoạn khó khăn với thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản nên việc duy trì lãi suất thấp là rất cần thiết. Chúng ta không cần thiết quá quan tâm đến việc lãi suất FED tăng mà cần tạo điều kiện cho nền kinh tế. 

Thưa ông, nếu nới điều kiện tín dụng lúc này thì ông có lo ngại nguy cơ nợ xấu tăng cao trong bối cảnh tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngành ngân hàng đang giảm mạnh không?

Ngân hàng Nhà nước có Thông tư cho phép giãn hoãn nợ, cơ cấu lại nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn. Như vậy về phía cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước có cơ chế nhưng phía một số các ngân hàng lại e dè trong việc tái cơ cấu này.

Đúng là nợ xấu đã tăng cao trong thời gian qua, kèm theo đó là tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm mạnh. Tôi không nói hạ tiêu chuẩn tín dụng mà nhìn tổng thể doanh nghiệp nếu có tiềm năng phục hồi trong trung và dài hạn nhưng khó khăn ngắn hạn thì ngân hàng nên có cơ chế hỗ trợ giãn, hoãn nợ theo cơ chế của Ngân hàng Nhà nước.

Tín dụng đang tăng trưởng thấp kỷ lục, theo ông, làm thế nào để tiền có thể chảy vào nền kinh tế?

Làm thế nào để tiền có thể đẩy ra được nền kinh tế là vấn đề đau đầu. 

Kinh tế Việt Nam có nhiều ngành thâm dụng vốn, đặc thù nhất là bất động sản (muốn tạo ra giá trị gia tăng và đòi hỏi đổ vào nhiều vốn, đầu tư vốn lớn).

Các ngành khát vốn, cần vốn nhưng rủi ro cao thì ngân hàng đang đứng trước bài toán đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Nhiều ngân hàng lại đang e ngại không muốn cho vay các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản.

Trong khi đó, các ngành ít rủi ro thì hiện tại không có nhu cầu vay nhiều vì không có nhiều cơ hội kinh doanh, mở rộng, ví dụ như các công ty sản xuất, xuất khẩu hay bán lẻ.

Do đó, làm thế nào điều chuyển tín dụng và đưa tiền vào nền kinh tế thì cần có chính sách tổng thể, trong đó “cứu” ngành bất động sản là điều kiện cần thiết. Nếu không cứu được thị trường bất động sản thì hậu quả rất lớn. Bài học về việc này xảy ra ngay tại một quốc gia láng giềng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn