MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nỗi sợ về SVB kế tiếp bao trùm Phố Wall

Quý An (theo Wall Street Journal) LDO | 13/03/2023 17:22
Cổ phiếu các ngân hàng khu vực đang lao dốc trước mối lo: SVB sụp đổ mới chỉ là khởi đầu cho cơn ác mộng.

Giới đầu tư đang lo lắng rằng, tốc độ tăng lãi suất nhanh nhất trong nhiều thập kỷ đồng nghĩa với việc một thứ gì đó trong nền kinh tế có thể bị phá vỡ.

Tuần trước, sự sụp đổi của Ngân hàng Thung lũng Silicon (Silicon Valley Bank – SVB) là một minh chứng. Hiện tại, các nhà đầu tư đang hỏi: Điều gì khác có thể xảy ra?

Ngày 10.3, SVB đã phải đóng cửa sau khi bị ảnh hưởng bởi việc rút tiền gửi. Đây là vụ phá sản ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ. Sự sụp đổ đã làm rung chuyển Phố Wall, làm gia tăng lo ngại rằng một năm với các điều kiện tài chính bị thắt chặt nhanh chóng cuối cùng cũng đã ập đến với lĩnh vực tài chính và hơn thế nữa.

Hệ quả là, chỉ số S&P 500 giảm 3,3% trong hai ngày giao dịch cuối tuần qua. Các thương nhân bắt đầu suy đoán về mức độ ảnh hưởng của giới ngân hàng, và liệu những rắc rối có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang (FED) tạm dừng hoặc thậm chí dừng nỗ lực kéo dài cả năm nhằm làm chậm lạm phát bằng cách tăng lãi suất hay không.

Nỗi sợ về “SVB kế tiếp” bao trùm Phố Wall. Ảnh: Xinhua

Sự khủng hoảng đã trở nên trầm trọng hơn vào Chủ nhật tuần qua. Các cơ quan quản lý đã nắm quyền kiểm soát Signature Bank - một công ty cho vay ở New York với tài sản trị giá 110 tỉ USD, đánh dấu sự sụp đổ của ngân hàng thứ ba trong một tuần.

Các ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng lớn nhất, được vốn hóa tốt hơn nhiều so với khi họ bước vào cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư lo lắng rằng những vấn đề hiện đang ảnh hưởng đến một số ngân hàng khu vực có thể kéo đến toàn ngành.

Thêm nữa, một loại tiền điện tử lớn đã giảm mạnh khi lộ thông tin nhà điều hành của nó, Circle Internet Financial, có 3,3 tỉ USD mắc kẹt trong SVB. USD Coin đã giảm xuống dưới 87 cent vào sáng ngày 11.3. Sự suy giảm này có điểm tương đồng với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi một quỹ thị trường tiền tệ được nhiều người coi là tương đương với tiền mặt đã “phá sản” sau sự sụp đổ của Lehman Brothers.

Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) bảo hiểm cho những người gửi tiền với số tiền mặt lên tới 250.000 USD tại ngân hàng. FDIC cho biết, những người gửi tiền nhiều hơn mức này tại SVB sẽ nhận được giấy chứng nhận quyền nhận tiền đối với số dư không được bảo hiểm của họ.

Bob Elliott, đồng sáng lập và là Giám đốc đầu tư của Công ty quản lý tài sản Unlimited, cho biết: “Câu hỏi lớn là liệu FDIC và FED có giúp những người gửi tiền không được bảo hiểm toàn bộ hay ít nhất là gần như toàn bộ hay không. Nếu cách giải quyết không được xử lý tốt, sẽ có rủi ro hệ thống là những người gửi tiền không được bảo hiểm sẽ bỏ chạy khỏi các ngân hàng nhỏ”.

Tính đến cuối năm ngoái, SVB ước tính có khoảng 151 tỉ USD tiền gửi không được bảo hiểm, theo báo cáo thường niên của công ty mẹ là SVB Financial Group. FRC, một ngân hàng lớn khác trong khu vực, có khoảng 120 tỉ USD. Signature Bank có khoảng 80 tỉ USD tiền gửi không được bảo hiểm.

Sự thất bại của SVB không chỉ ảnh hưởng đến người gửi tiền và nhà đầu tư mà còn cả khách hàng của họ. Các doanh nghiệp được SVB tài trợ trong nhiều năm nay có vẻ rủi ro hơn. Chẳng hạn, cổ phiếu của Công ty lắp đặt năng lượng mặt trời tại nhà Sunrun đã giảm 12% vào ngày 10.2. Nền tảng phát trực tuyến Roku cho biết khoảng 487 triệu USD trong số 1,9 tỉ USD tiền mặt của công ty bị bỏ ngỏ khả năng phục hồi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn