MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nông dân Bạc Liêu lãi lớn nhờ vườn rau má sạch

Văn Sỹ LDO | 14/06/2022 08:18

Bạc Liêu- Sau thời gian áp dụng một số mô hình sản xuất mang lại hiệu quả không như mong muốn, nhiều nông dân ở tỉnh Bạc Liêu đã áp dụng mô hình trồng rau má theo quy trình trồng rau sạch và thu được kết quả khá bất ngờ...

"Trồng chơi, ăn thật"

Là hộ có diện tích trồng rau má lớn nhất ở xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long, bà Nguyễn Thị Đèo phấn khởi chia sẻ: Trong 1 năm qua, 5 công rau má đã mang lại cho gia đình bà trên 200 triệu đồng.

Theo bà Đèo, việc trồng và chăm sóc rau má khá dễ dàng và nhẹ công. Vốn đầu tư ban đầu và chi phí bỏ ra trong mùa vụ cũng không nhiều. Trong khi, thời gian thu hoạch rau má lần đầu cũng như những lần sau đó khá nhanh nên mang lại nguồn thu nhập thường xuyên cho gia đình. So với nghề trồng lúa trước đây, rau má mang về thu nhập gấp 3 lần.

Bà Nguyễn Thị Đèo thu hoạch rau má (Ảnh: Văn Sỹ)

“Hồi trước tôi thấy người khác trồng xanh tốt thấy mê, mà bán cũng có giá, có lời, nên bàn với chồng trồng thử chưa đầy 2 công đất. Nhưng trồng rồi thấy ham quá, dễ bán, thương lái vô mua đều đặn. Giá bán thì tùy thời điểm, thị trường tiêu dùng nhiều thì có khi 25 ngàn đồng/kg, còn lại thường là tôi bán giá từ 12 đến 15 ngàn đồng/kg. Nói chung, rau má mà bán được giá từ 10 ngàn đồng trở lên là có lãi khá, bởi chi phí đầu tư không cao”, bà Đèo chia sẻ.

Vườn rau má xanh bạt ngàn của bà Nguyễn Thị Đèo (Ảnh: Văn Sỹ)

Không riêng bà Đèo mà theo ghi nhận của phóng viên, đa số người trồng rau má ở Phước Long đều có hiệu quả kinh tế và nguồn thu nhập khá ổn định. Gần như không có hộ nào bị thua lỗ do trồng loại rau này.

Bà Lê Thanh Điền (xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long) cho biết: Đầu năm 2020, sau khi thấy một số hộ dân trong xóm trồng rau má hiệu quả nên đã trồng thử mấy liếp trên vườn nhà. Sau thời gian thấy dễ trồng và có lãi khá cao, bà Điền đã mở rộng diện tích trồng. Hiện nay, 2 công rau má của gia đình bà lúc nào cũng phủ màu xanh. Tùy theo giá thị trường, mỗi năm mang về cho gia đình từ 70 đến 80 triệu đồng.  

Vườn rau má bà Lê Thanh Điền thường được hội viên phụ nữ đến tham quan học hỏi kinh nghiệm (Ảnh: Văn Sỹ)

“Tiền trồng rau má đủ chi tiêu trong gia đình, còn lại thu nhập từ 10 công lúa mình còn dư nguyên. Rau má cũng dễ chăm sóc. Mình trồng nó lên tốt thì cỏ không mọc được nên chỉ bón ít phân. Thuốc trị bệnh thì khi nào rau bệnh mới phun xịt, mà tôi trồng 2 năm nay thấy cũng ít bệnh lắm. So với rau cần nước trước đây tôi trồng thì thấy rau má có giá ổn định, lợi nhuận nhiều hơn”, bà Điền phấn khởi chia sẻ thêm.

Rau má được nông dân Bạc Liêu trồng theo mô hình rau sạch xanh mướt (Ảnh: Văn Sỹ)

Nhân rộng mô hình

“Qua đánh giá của ngành chuyên môn, cho thấy rau má mang lại hiệu quả kinh tế ổn định và không bấp bênh như một số mô hình khác nên Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện cùng các xã, thị trấn, chọn làm mô hình nhân rộng trong phát triển kinh tế trong cán bộ, hội viên phụ nữ”, bà Trương Thanh Xuân - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phước Long, cho biết.

Theo đó, bên cạnh hướng dẫn thành lập Hợp tác xã trồng rau sạch, Hội Phụ nữ phối hợp với Phòng NNPTNT huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, giới thiệu thị trường tiêu thụ cho các hội viên phụ nữ để họ sản xuất hiệu quả, đầu ra ổn định.

Rau má có đầu ra ổn định giúp nông dân Bạc Liêu nâng cao thu nhập (Ảnh: Văn Sỹ)

Qua hơn 2 năm áp dụng mô hình cho hiệu quả kinh tế ổn định và loại rau này hiện có hơn 200 hộ dân trong huyện áp dụng. Trung bình mỗi công cho lợi nhuận từ 20 đến 30 triệu đồng/năm.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, tổng diện tích trồng rau má tại Bạc Liêu khoảng 70ha. Trong đó, tập trung nhiều ở huyện Phước Long và một phần của các huyện Vĩnh Lợi, Hồng Dân và thành phố Bạc Liêu.

Rút kinh nghiệm từ một số loại nông sản rơi vào tình trạng rớt giá thê thảm từ việc trồng ồ ạt của người dân, ngành nông nghiệp Bạc Liêu đã phối hợp cùng chính quyền địa phương rất thận trọng việc khuyến cáo người dân mở rộng diện tích trồng rau má gắn với nhu cầu thị trường nhằm đảm bảo đầu ra cho người trồng.

Theo chia sẻ của một số người trồng rau má ở Bạc Liêu, thời gian qua, nguồn hàng rau cung ứng cho thị trường còn khan hiếm, chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ. Bà con thường bán cho thương lái thu mua chở đi cung ứng tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn