MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nông dân ở Đắk Nông đầu tư máy chế biến cà phê bột. Ảnh: Phan Tuấn

Nông dân chế biến sâu nông sản

Phan Tuấn LDO | 18/12/2021 11:54
Từ chỗ xuất bán nông sản thô, nhiều người nông dân ở Đắk Nông đã nghiên cứu, học hỏi, chế biến sâu các mặt hàng như cà phê, hồ tiêu, mắc ca... để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng từ thị trường. Việc những người nông dân “chân lấm tay bùn” ở Đắk Nông tham gia chế biến sâu nông sản để xuất ra thị trường được ví như từ ao làng ra... biển lớn, góp phần nâng cao thu nhập, giá trị kinh tế.

Nông dân Đắk Nông từ ao làng ra… biển lớn

Gia đình anh Hoàng Đình Cảnh, ở thành phố Gia Nghĩa, đã gắn bó với cây cà phê hàng chục năm qua. Trước đây, gia đình anh Cảnh chỉ xuất bán hạt cà phê thô cho các đại lý thu mua nông sản quanh vùng. Do đó, hiệu quả kinh tế của gia đình anh Cảnh luôn ở mức thấp, cuộc sống gia đình vì thế cũng trở nên bấp bênh. 

Theo anh Cảnh, hiện nay, hầu hết người nông dân chủ yếu xuất bán hạt cà phê thô cho các thương lái. Ngược lại, người dân muốn thưởng thức ly cà phê để uống thì phải đi mua sản phẩm chế biến sâu ở các tỉnh thành khác, thậm chí là của nước ngoài về sử dụng.

“Không bằng lòng với thực tại, anh Cảnh đã đi học hỏi, nghiên cứu quy trình rang, xay rồi mở công ty chế biến cà phê bột với thương hiệu sản phẩm là Tà Đùng. Lúc đầu, sản phẩm của công ty tôi làm ra chỉ để phục vụ cho quán cà phê, bán cho người dân quanh vùng thưởng thức. Nhờ sản xuất có chọn lọc, nên những năm gần đây thương hiệu cà phê Tà Đùng của gia đình đã bay xa đến nhiều thị trường ngoại tỉnh, thu nhập của gia đình cũng vì thế mà ổn định, khá giả hơn trước rất nhiều” - anh Cảnh phấn khởi chia sẻ. 

Hơn 5 năm nay, cây mắc ca ở huyện Tuy Đức bước vào thời kỳ thu hoạch. Nhận thấy hạt mắc ca là “đặc sản” có giá trị cao trên thị trường nên anh Hà Tấn Phanh, ở xã Đắk Búk So đã mạnh dạn học tập, nghiên cứu quy trình chế biến sâu.

Sau khi lĩnh hội được kiến thức anh Phanh đã thành lập Công ty TNHH MTV mắc ca Đắk Nông và đầu tư hàng trăm triệu đồng mua máy móc chế biến sản phẩm và đăng ký nhãn hiệu “Mắc ca Tuy Đức”.

Theo anh Phanh, trước khi anh mở công ty, trên thị trường được các cửa hàng tạp hóa, siêu thị bán mắc ca sấy khô với giá từ 300 - 500.000 đồng/kg. Lợi nhuận hạt mắc ca sau chế biến rất cao nhưng người dân tại huyện Tuy Đức chỉ xuất thô với giá 80.000 -100.000 đồng/kg.

Thế nhưng, việc chế biến hạt mắc ca là một chuyện còn tìm được chỗ đứng trên thị trường hay không thì là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Cũng theo anh Phanh, thực tế, không ít người đã bị phá sản vì không có chiến lược đầu ra rõ ràng. Đối với anh, ngay khi mẻ sản phẩm mắc ca đầu tiên ra lò, anh đã tận dụng các trang mạng xã hội zalo, facebook… để quảng cáo thương hiệu, tạo chỗ đứng trên thị trường. Sau 3 năm thành lập công ty, sản phẩm Mắc ca Tuy Đức do công ty anh Phanh chế biến bán rất chạy trên thị trường.

“Từ khi khởi nghiệp, đến nay, công ty chúng tôi đã khẳng định được thương hiệu, có nguồn đầu ra ổn định cho sản phẩm mắc ca sấy khô. Trong thời gian tới, công ty chúng tôi sẽ phối hợp với người dân liên kết sản xuất, xây dựng nguồn nguyên liệu bền vững, đôi bên cùng có lợi”- anh Phanh khẳng định.

Hướng phát triển ổn định, bền vững

Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã xuất hiện hơn 70 sản phẩm, nhãn hiệu chế biến sâu các mặt hàng nông sản.

Điều đáng mừng là những sản phẩm “cây nhà, lá vườn” này đều do bàn tay, khối ốc của những người nông dân làm ra. Việc người nông dân tự mình tham gia chế biến sâu sản phẩm đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.

Theo bà Nguyễn Thị Tình -  Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông - việc người nông dân vừa trực tiếp sản xuất nông sản vừa xây dựng doanh nghiệp, tham gia hợp tác xã để chế biến sâu sản phẩm là cách làm nông nghiệp mới. 

Đây thực sự là tín hiệu vui để các mặt hàng nông sản của tỉnh Đắk Nông từng bước nâng cao giá trị, có thương hiệu, chiếm lĩnh thị trường. Mặt khác, việc phát triển các hợp tác xã, các doanh nghiệp vừa và nhỏ... sẽ thúc đẩy nông nghiệp nông thôn phát triển, trở thành những “cánh tay nối dài” với các doanh nghiệp lớn để phát triển sâu và bền vững. 

“Về phía ngành nông nghiệp luôn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng giúp người nông dân xây dựng thương hiệu, đăng ký mã vùng truy suất nguồn gốc, kết nối các thị trường tiêu thụ… Điều này sẽ góp phần tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, nâng cao hiệu quả kinh tế”- bà Tình cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn