MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sản xuất nông nghiệp sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm nên ông Đông không phải lo lắng về đầu ra, trong khí giá bán lại cao và ổn định. Ảnh: Phan Tuấn

Nông dân Đắk Nông thu ngoại tệ nhờ sản xuất nông nghiệp sạch

Phan Tuấn LDO | 15/02/2022 16:40

Đắk Nông - Từ sản xuất nông nghiệp sạch, nhiều nông dân ở Đắk Nông đã vượt qua rào cản thương mại khắt khe, đưa sản phẩm của mình ra thị trường thế giới, đem về nguồn thu nhập ngoại tệ. 

Chinh phục thị trường khó tính

Vài năm trở lại đây, ông Trần Quang Đông - chủ trang trại Gia Ân (ở xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa) - đã xuất bán được sản phẩm măng cụt của gia đình vào thị trường Hà Lan, mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình.

Theo ông Đông, thị trường Hà Lan có quy định rất khắt khe về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, để thâm nhập được thì trường này, gia đình ông đã tự mày mò, nghiên cứu tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn Thực hành Nông nghiệp tốt Toàn cầu (GlobalGAP). 

Với 20ha măng cụt, gia đình ông Đông chú trọng sử dụng các loại phân bón hữu cơ và hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ông Đông chia sẻ: "Ngay từ khi bắt tay vào làm nông nghiệp, tôi đã xác định chất lượng sẽ quyết định giá thành sản phẩm. Ngoài ra, gia đình cũng đạt mục tiêu xuất khẩu để mang về lợi nhuận cao trên một đơn vị diện tích". 

"Cũng 1 tấn măng cụt nhưng khi gia đình tôi xuất sang thị trường thế giới thì thu về được khoảng 400 triệu đồng, còn thị trường Việt Nam chỉ được khoảng 100 triệu đồng. Trong thời gian tới, gia đình tôi sẽ mở rộng diện tích, chú trọng đưa sản phẩm hướng đến việc xuất khẩu để có thu nhập ngoại tệ" - ông Đông cho biết.

Cũng theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, hướng đến xuất khẩu mà ông Đinh Xuân Thu - chủ trang trại Thuy Thủy (ở xã Nâm N'jang, huyện Đắk Song) - không phải lo lắng trước sự "nhảy múa" về giá cả của cây hồ tiêu. Đơn cử giai đoạn từ 2017 - 2020, có thời điểm giá tiêu chạm đáy chỉ còn 36.000 đồng/kg thì ông Thu vẫn xuất bán các sản phẩm hồ tiêu của gia đình cho thị trường Châu Âu, Hoa Kỳ... với mức giá từ 150.000 - 250.000 đồng/kg tùy vào loại tiêu đỏ, tiêu xanh, tiêu đen hoặc tiêu sọ khác nhau.

"Cách đây hơn 20 năm, khi bắt tay làm nông nghiệp, tôi đã nghĩ ngay đến nông nghiệp sạch, hữu cơ. Do sản phẩm của gia đình tôi vượt hơn 700 tiêu chuẩn quy định của phía đối tác nước ngoài đưa ra nên việc có giá bán cao cũng là điều hợp lý" - ông Thu cho hay. 

Theo ông Thu, sản xuất hồ tiêu cũng như bất cứ loại cây trồng nào theo tiêu chuẩn hữu cơ thì có nghĩa là cây sẽ phát triển tự nhiên, không bị thúc ép bởi năng suất, sản lượng. Làm nông nghiệp sạch là cách làm đàng hoàng và người tiêu dùng cũng sẵn sàng trả giá cao hơn để mua được sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, sức khỏe của con người. 

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông, hiện nay, đã có rất nhiều người nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ. Việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi thì sẽ được kiểm định từ khâu làm cỏ, bón phân, cho đến thu hoạch, chế biến, đóng gói sản phẩm. Dù vất vả nhưng cách làm nông nghiệp này đã và đang mang lại niềm vui cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng. 

Hướng đi bền vững

Ông Trần Quang Đông - chủ trang trại Gia Ân - cho biết, những người làm nông nghiệp sạch là những người lúc nào cũng hướng đến cộng đồng. Bất cứ sản phẩm nào sử dụng làm thực phẩm thì nên sản xuất theo chuỗi giá trị sạch, được kiểm định chặt chẽ chứ không nên phát triển một cách ồ ạt, thúc ép để đạt năng suất, sản lượng. 

"Những năm qua, khi biết sản phẩm măng cụt của trang trại Gia Ân đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhiều tiểu thương trong nước đã tự tìm đến xin đặt cọc, bao tiêu sản phẩm ngay tại vườn. Chưa cần xuất khẩu, cứ tạo ra những sản phẩm chất lượng, uy tín thì có nhiều đơn vị trong nước cũng sẵn sàng nhập măng cụt với mức tương đương. Gia đình tôi không phải lo nghĩ về đầu ra. Nếu sản phẩm mình chất lượng thì mình có quyền ra giá cho đối tác, người tiêu dùng chứ không phụ thuộc vào sự biến động của thị trường" - ông Đông khẳng định. 

Với kinh nghiệm hàng chục năm làm nông nghiệp sạch, ông Đinh Xuân Thu cho hay: "Điểm yếu của người nông dân là thiếu thông tin thị trường, cùng với đó là tâm lý "đám đông". Có nhiều loại cây trồng người dân tự ý phát triển bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng nên đã khiến cho cung vượt quá cầu, bị thua lỗ nặng nề. Với những người tạo dựng được thương hiệu và mối liên kết bền vững thì không có chuyện bị đứt gãy cung cầu" - ông Thu khẳng định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn