MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sau 10 năm người dân Sơn La góp đất trồng caosu, hiệu quả mang lại không bằng trồng các loại cây khác. (Ảnh minh họa)

Nông dân góp đất trồng caosu tại Tây Bắc: Cần đánh giá lại

L.V LDO | 07/05/2019 17:13

Phát triển caosu tại Tây Bắc thông qua mô hình người dân góp đất dựa trên nhiều kỳ vọng, cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện, lợi ích thu được từ cây caosu còn quá thấp.

Phát triển caosu tại vùng Tây Bắc là chủ trương lớn của Chính phủ. Năm 2008, khi giá mủ caosu tại thị trường thế giới ở mức đỉnh điểm, caosu đã được công nhận là cây đa mục đích năm 2008.

Diện tích trồng caosu đã được phát triển mới hoặc mở rộng tại nhiều địa bàn. Tại vùng Tây Bắc, mô hình người dân góp đất trong quỹ đất canh tác của mình để cùng các Cty của Nhà nước trồng caosu bắt đầu được hình thành. Nhiều chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương được đưa ra với mục tiêu hỗ trợ việc chuyển đổi mô hình sinh kế của các hộ.

Trên 30.000ha, chủ yếu từ nguồn đất canh tác của các hộ đồng bào dân tộc, đã được góp cùng với các Cty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Caosu để phát triển các diện tích caosu ở vùng Tây Bắc từ năm 2007-2008.

Với bình quân mỗi hộ góp 1ha, tổng số hộ tham gia mô hình là trên dưới 30.000 hộ, bao gồm nhiều hộ nghèo, tương đương với 120.000 - 150.000 khẩu. Tác động của mô hình này tới sinh kế của các hộ tại vùng Tây Bắc là rất lớn.

Tuy nhiên, tại tọa đàm khoa học về vấn đề người dân góp đất trồng caosu tại Tây Bắc vừa được tổ chức chiều 3.5, nhiều chuyên gia lâm nghiệp đánh giá: Mặc dù kỳ vọng lợi ích thu được từ mủ caosu thông qua xuất khẩu sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo cho các hộ đồng bào vùng Tây Bắc; phát triển caosu góp phần giảm đất trống đồi núi trọc, tăng độ che phủ rừng. Theo dự kiến, các lợi ích này sẽ trở thành hiện thực sau 7-8 năm kể từ khi trồng, khi cây caosu bắt đầu cho thu mủ. Thế nhưng, kết quả mang lại không như kỳ vọng.

Kết quả khảo sát nhanh cũng cho thấy các lợi ích kinh tế từ mô hình, đặc biệt trong việc tạo nguồn thu của các hộ góp đất, vẫn còn xa so với kỳ vọng. Lợi ích mà hộ thu được thực tế từ caosu đến nay thấp hơn nhiều so với lợi ích mà hộ thu được từ các loại cây hàng năm như lúa, ngô, sắn mà hộ trồng trên cùng các diện tích trước khi góp với DN để trồng caosu.

Khoảng 75% số hộ tham gia khảo sát cho rằng thu nhập của hộ giảm so với trước khi tham gia góp đất trồng caosu. Cụ thể, 9% số hộ cho rằng thu nhập của mình giảm trên 80%, 38% số hộ cho rằng thu nhập giảm 40-80%.

Từ những ý kiến trái chiều xung quanh cây caosu Tây Bắc, ông Hứa Đức Nhị - Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam cho rằng, các bộ ngành chức năng, chính quyền địa phương cần vào cuộc tổng kết lại dự án, đánh giá lại mô hình để có hướng đi phù hợp, hài hòa lợi ích của các bên.

Còn TS. Võ Đình Tuyên - Vụ Kinh tế ngành (Văn phòng Chính phủ) cũng cho rằng, các DN trồng cao su nên rà soát lại diện tích đất trồng caosu, chỗ nào không phù hợp thì có thể chuyển đổi.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn