MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nông dân nuôi cá tra trong chuỗi liên kết đang khổ sở vì lâm nợ. Ảnh: P.V

Nông dân hết đường lùi!

TRẦN LƯU - TRẦN TUẤN LDO | 05/06/2018 09:48
Dù Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, yêu cầu giải quyết dứt điểm nợ chuỗi liên kết nuôi cá tra của Cty Thuận An (Tafishco), nhưng đến nay vụ việc này vẫn cứ treo lơ lửng. Trong khi giá cá tra đang tăng kỷ lục, thì những hộ nuôi lại phải khốn khổ với những món nợ kếch xù, chỉ vì… tham gia vào chuỗi liên kết.

Buộc trả nợ 2 lần

Ngày 4.6, trao đổi với PV Lao Động, các hộ nuôi cá tra trong chuỗi liên kết ở An Giang cho biết, đã có đơn cầu cứu lần thứ 8 gửi đến Chính phủ với mong muốn giải quyết dứt điểm vụ Cty Thuận An ôm tiền cá của người nuôi bỏ trốn.

Đây là chuỗi liên kết thí điểm theo chủ trương của Chính phủ, được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND tỉnh An Giang cho phép Tafishco thực hiện cùng các hộ nuôi cá, từ tháng 8.2015. Theo quy trình cho vay trong dự án, các hộ nông dân không trực tiếp nhận tiền, mà chỉ nhận thức ăn nuôi cá, được Ngân hàng NNPTNT (Agribank An Giang) trả tiền thay, rồi họ ký nhận nợ lại với ngân hàng. Đến kỳ thu hoạch, cá được bán “độc quyền” cho Cty Thuận An. Sau đó, Cty này có trách nhiệm tất toán khoản vay của nông dân với ngân hàng, còn bà con sẽ nhận phần chênh lệch còn lại. Thế nhưng, cuối tháng 10.2016, lãnh đạo Cty Thuận An đi “công tác nước ngoài”, rồi không trở về. Từ đây, Agribank An Giang đã căn cứ vào từng hợp đồng tín dụng để “quy nợ” cho các hộ nuôi.

Tính đến ngày 28.2.2017, có 10 hộ nông dân còn nợ Agribank An Giang 78,43 tỉ đồng, trong đó nợ gốc quá hạn là 37,77 tỉ đồng. Ngược lại, Cty Thuận An còn nợ tiền mua cá của nông dân là 62,72 tỉ đồng.

Trong năm 2017, nhiều cuộc họp với nhiều phương án được đưa ra nhưng chưa đạt được sự thống nhất giữa ngân hàng và các hộ nuôi cá. UBND tỉnh An Giang đã thành lập tổ xử lý vụ việc, và cử đoàn công tác ra làm việc trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước, qua đó đề nghị, chuyển phần nợ của các hộ nuôi cho Cty Thuận An và Cty này có trách nhiệm trả nợ cho ngân hàng theo dự án chuỗi. Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn việc chuyển khoản nợ vay này và hướng dẫn việc trả tài sản thế chấp của các hộ nông dân. Tuy nhiên, đề xuất này đã không được chấp nhận. Từ đây, Agribank An Giang quay trở lại yêu cầu người dân phải trả nợ.

Trao đổi với PV, các hộ nuôi cho biết: “Đến nay, đã quá thời hạn mà chúng tôi chưa nhận đuợc thông báo kết quả xử lý nào. Trong khi đó, Agribank An Giang buộc nông dân phải có trách nhiệm trả các khoản vay. Đây là điều hết sức vô lý. Bởi, khi tham gia chuỗi liên kết, các hộ nuôi đã tuân thủ đúng hoàn toàn các cam kết và thỏa thuận. Chúng tôi nuôi bằng thức ăn mua từ tiền vay của Agribank; cá thu hoạch đều giao đầy đủ cho Cty Thuận An, nay Cty chiếm đoạt tiền rồi bỏ trốn, không tất toán với ngân hàng, và ngân hàng lại quay sang bắt chúng tôi trả nợ thật quá bất công, vì chúng tôi không thể trả 1 món nợ đến 2 lần”.

Đành chịu?!...

Sau khi nhận được đơn kêu cứu lần thứ 7 của các hộ nuôi, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo: “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh An Giang tập trung giải quyết dứt điểm phản ánh, kiến nghị của các hộ dân thuộc Chuỗi liên kết dọc nuôi cá tra Tafishco theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1.2.2018”.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Lê Văn Nưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - cho biết: Vừa qua, Bộ Công an đã giao lại vụ việc cho Công an tỉnh An Giang thụ lý. Phần nào liên quan đến điều tra thì công an sẽ làm, còn phần nào liên quan đến xử lý tài sản trước mắt thì tòa án đang thụ lý. Vụ việc đang trong vòng tố tụng, UBND tỉnh chỉ tác động để xử lý sớm.

“Trước đây, chúng tôi đã làm việc với Ngân hàng nhà nước, tuy nhiên những đề xuất của tỉnh đã không được chấp nhận, chúng tôi cũng đành chịu. Hiện nay, Agribank An Giang đang quản lý vùng nuôi, nhà xưởng… của Cty Thuận An, họ cho thuê lại để thu tiền nhằm trừ nợ của Cty này. UBND tỉnh cố gắng tác động để doanh nghiệp duy trì hoạt động. Còn việc người dân đang lâm nợ cũng đành chịu, rủi ro này liên quan đến nhiều phía, cần phải chia sẻ, tỉnh rất tâm tư việc này, đây là mô hình hay, nhưng lại không thành công” - ông Nưng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn