MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nông dân làm gì để vay được vốn làm nông nghiệp công nghệ cao?

Trà My LDO | 13/10/2020 16:38

Ngày 13.10, tại Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ V, vấn đề thu hút sự quan tâm là làm thế nào để người nông dân làm nông nghiệp công nghệ cao có thể tiếp cận được vốn vay ngân hàng.

"Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao phải khẳng định được tính lâu dài, có quy mô và sản xuất bài bản. Ngân hàng sẽ yêu cầu doanh nghiệp, hộ nông dân phải chứng minh được dòng tiền.

Ví dụ như dự án có các hợp đồng tiêu thụ ổn định, chủ dự án phải mở tài khoản tại ngân hàng vay vốn để ngân hàng kiểm soát dòng tiền của doanh nghiệp mới có cơ sở cho vay ưu đãi" - bà Phạm Thị Thanh Tùng - Trưởng phòng Tín dụng ngành nông nghiệp, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng - Trưởng phòng Tín dụng ngành nông nghiệp, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát biểu về cho vay nông nghiệp công nghệ cao . Ảnh DV

“Nguồn vốn cho vay ưu đãi là nguồn vốn do các ngân hàng huy động từ trong dân. Các ngân hàng nhờ tiết giảm chi phí mới có điều kiện để cho vay ưu đãi.

Theo luật, việc xem xét cho vay thuộc thẩm quyền của các tổ chức tín dụng. Trong đó, các tổ chức tín dụng thẩm định ưu tiên đánh giá xem dự án nông nghiệp công nghệ cao có khả thi hay không, có phương án trả nợ cho nguồn vay ngân hàng hay không?” - bà Tùng cho biết.

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất nông nghiệp là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn theo chủ trương của Đảng và Chính phủ, NHNN.

Theo đó, vốn cho nông nghiệp công nghệ cao có nhiều đặc thù riêng.

Từ đầu năm 2020 tới nay NHNN đã 3 lần giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với các lĩnh vực ưu tiên, hiện nay lãi suất cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tối đa chỉ có 4,5%/năm – thấp hơn nhiều so với các lĩnh vực khác và là mức thấp nhất từ trước tới nay.

Thêm vào nữa, chính sách xử lý nợ đặc thù. Sản xuất nông nghiệp nông nghiệp nói chung và lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao nói riêng đòi hỏi vốn lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, thị trường.

Do đó, tại Nghị định 55 và Nghị định 116, Chính phủ đã quy định cơ chế xử lý rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng dẫn đến khách hàng vay gặp khó khăn không trả được nợ vay đúng hạn.

Về vấn đề này, ông Phạm Toàn Vượng – Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết: "Nhìn chung, ngành ngân hàng đối diện với việc cho vay tín chấp vẫn còn nhiều vướng mắc dù cơ chế chính sách đã mở.

Chúng tôi mong muốn tháo gỡ đến cùng việc thế chấp tài sản để tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Hiện Agribank hoàn toàn có quyền cho vay tín chấp, với gần 300.000 tỉ dư nợ tín chấp. Nhưng để cho vay thế chấp được thì ngoài vấn đề tài sản tín chấp, phương án sản xuất phải thực sự khả thi".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn