MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân nuôi cá tầm ở huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) lo lắng vì đã quá mùa thu hoạch nhưng chưa xuất bán được. Ảnh: T.T

Nông dân lo nợ vì mẻ cá triệu USD không xuất bán được

THANH TUẤN LDO | 08/08/2021 11:15

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hàng trăm tấn cá của người nông dân Tây Nguyên không bán ra được thị trường. Nỗi lo chi phí ngày càng tăng cao, nặng nợ với ngân hàng, người nông dân hiện như ngồi trên đống lửa.

Tại huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, nhiều hộ dân nuôi cá tầm - loài cá có giá trị kinh tế cao trên thị trường - lo lắng đứng ngồi không yên. Anh Võ Tấn Hưng (trú thị trấn Kbang) cho biết, do dịch bệnh nên hơn 30 tấn cá tầm trị giá triệu đô của mình vẫn còn nằm dưới lòng hồ thủy điện Vĩnh Sơn.

Nhiều bè cá tầm ở Kbang được đầu tư tiền tỉ. Ảnh: T.T

“Cá tầm đã lớn, trung bình mỗi tháng phải tiêu tốn hơn 100 triệu đồng tiền thức ăn cho cá. Cá tầm dùng thức ăn ngoại nhập về, đạt tiêu chuẩn quốc tế. May mắn mới đây có chuyến hàng thức ăn về kịp nên các bè cá tầm không lo bị đói” - anh Hưng cho hay.

Do ảnh hưởng của COVID-19 nên các chuyên gia người Ukraine không thể đến Kbang để tổ chức lấy trứng và chế biến cá tầm. Hiện, giá trứng cá tầm xuất khẩu ra thị trường thế giới khoảng 1.000 USD/1kg, còn thịt cá tầm xông khói từ 800.000 đồng/1kg. Việc chế biến và lấy trứng đều theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo an toàn, độ dinh dưỡng cao và phải tự tay chuyên gia người nước ngoài thực hiện.

Cá tầm có giá trị cao trên thị trường, chủ yếu để xuất khẩu ra nước ngoài. Ảnh: T.T

Anh Võ Tấn Hưng hy vọng vượt qua được mùa đông năm nay ở cao nguyên, cho đến khi việc tiêm vaccine COVID-19 được phủ rộng, chuyên gia người nước ngoài sang được Việt Nam thì mới thu hoạch được mẻ cá tầm giá trị lớn.

Huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum là vùng nuôi cá lồng bè trọng điểm với hàng chục hộ dân. Theo anh Hoàng Kim Nam - người dân xã Đăk La (huyện Đăk Hà), do dịch COVID-19 nên xe chở hàng hóa không lưu thông được, hơn 100 tấn cá của gia đình vẫn còn nằm dưới lồng bè.

Cá đã lớn nhưng chưa biết bao giờ mới được xuất bán. Trung bình mỗi ngày anh Nam phải mua hơn một tấn thức ăn cho đàn cá. Vài thương lái lẻ tẻ đến hỏi mua nhưng cũng ép với giá rẻ bèo.

Anh Nam cho hay, mọi năm gia đình xuất cá bán cho TP.HCM, Bình Dương, Gia Lai, Bình Định và các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn. Bây giờ dịch phong tỏa nhiều nơi, tất cả đều đóng cửa, anh không biết bán đi đâu. Để giảm bớt chi phí, anh phải thuê người đi cắt cỏ, tận dụng thức ăn tự nhiên để nuôi đàn cá.

Hơn bao giờ hết, người nông dân Tây Nguyên mong muốn nhà nước hỗ trợ về nguồn vốn, giảm lãi suất vay, tăng cường "vùng xanh" kết nối tiêu thụ nhằm vơi bớt khó khăn trong cơn dịch bệnh.

Trước đó, vào ngày 6.8, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất nông sản, thủy sản khu vực Nam bộ và Tây Nguyên 2021. Hiện lượng hàng nông - thủy sản vào vụ của các tỉnh Nam bộ và Tây nguyên rất lớn. Tuy nhiên, việc cung ứng và tiêu thụ đang gặp nhiều khó khăn, cung - cầu bất cân xứng do thiếu lao động thu hoạch, chế biến; vận chuyển lưu thông gặp khó khăn do yêu cầu siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương; nhu cầu tiêu thụ giảm do ảnh hưởng dịch COVID-19… đã gây “ách tắc” đầu ra cho nông - thủy sản.

Bộ Công Thương đề nghị các địa phương nghiên cứu duy trì được hoạt động của các chợ đầu mối, chợ truyền thống và siêu thị, cửa hàng tiện ích vì đây là hệ thống thiết yếu trong chuỗi cung ứng, đóng vai trò phục vụ đời sống nhân dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn