MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nông dân loay hoay đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử

MỸ LY LDO | 30/07/2024 13:45

Để tiếp cận nguồn khách hàng lớn và nâng giá trị sản phẩm, nông dân miền Tây đang loay hoay tìm cách đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử.

Điệp khúc được mùa rớt giá

Trồng nhãn Ido đã gần 10 năm nhưng mỗi lần đến vụ thu hoạch, bà Nguyễn Thị Út Tám (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) không khỏi sốt ruột vì giá cả bấp bênh. Theo bà Tám, trúng mùa rớt giá, được giá mất mùa là điệp khúc đã theo bà suốt nhiều năm nay.

“Chăm sóc kỹ, năng suất nhãn cao chưa chắc đã lãi nhiều. Năm nào trúng mùa thì giá nhãn lại rớt trầm trọng, có khi từ 30.000 đồng/kg giảm còn 15.000 - 16.000 đồng/kg. Còn những năm nhãn được thương lái thu mua với giá cao thì cây lại cho trái ít nên lợi nhuận cũng chẳng được bao nhiêu”, bà Tám nói.

Điệp khúc trúng mùa rớt giá khiến bà con nông dân ngán ngẩm. Ảnh: Mỹ Ly

Chuyển đổi từ trồng dâu da xanh kém hiệu quả sang trồng mít Thái, ông Nguyễn Văn Ba (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) cũng rơi vào hoàn cảnh được mùa rớt giá.

“Thấy mít Thái hút hàng, có lúc lên đến 40.000 - 50.000 đồng/kg nên tôi bỏ dâu trồng mít. Nhưng điều đó chỉ được một thời gian. Nhiều năm trở lại đây, mít Thái liên tục rớt giá, có thời điểm thương lái thu mua tại vườn chỉ 2.000 - 3.000 đồng/kg nhưng tôi cũng phải bán để lấy lại vốn”, ông Ba chia sẻ.

Rào cản khi chuyển đổi

Nhận thấy xu hướng mua sắm trên các sàn thương mại điện tử ngày càng được nhiều người ưa chuộng, bà Tám mong muốn tiếp cận mô hình kinh doanh mới này để thoát cảnh bấp bênh trong việc tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, là người nông dân chân đất, trình độ công nghệ thông tin hạn chế, bà gặp không ít rào cản trong việc chuyển đổi.

“Hơn một năm trở lại đây, tôi bắt đầu thấy các mặt hàng nông sản được đưa lên các sàn thương mại điện tử. Một số kênh livestream giới thiệu sầu riêng, vải thiều, sản phẩm OCOP… với số lượng bán ra khá hấp dẫn. Tuy nhiên, việc cần những gì để đáp ứng được yêu cầu, chính sách mà các nền tảng đặt ra cũng như chưa biết cách làm video, livestream thu hút khách hàng… là điều khiến tôi chưa dám mạnh dạn đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử”, bà Tám bộc bạch.

Các sản phẩm OCOP của nông dân TPHCM được bán qua các kênh thương mại điện tử. Ảnh: Ngọc Lê

Chung quan điểm đó, ông Ba cũng muốn đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để tiếp cận nguồn khách hàng lớn và nâng giá trị sản phẩm. Nhưng điều khiến ông ngần ngại là liệu việc chuyển đổi có thực sự hiệu quả nếu bản thân không có chút hiểu biết hay kinh nghiệm trong việc buôn bán trên sàn thương mại điện tử.

“Hiện mặt hàng nông sản xuất hiện trên sàn thưởng mại điện tử chưa nhiều. Vì vậy, tôi mong địa phương hoặc các bên liên quan sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện mở các lớp đào tạo cơ bản, chuyên sâu về cách đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử, cách thức làm video, livestream để nông dân chúng tôi có thể tiếp cận loại hình kinh doanh mới này”, ông Ba bày tỏ.

Đại diện TikTok Shop lưu ý, các cá nhân, tập thể bán hàng trên sàn thường gặp các lỗi như điều hướng lượng người dùng hoặc nói quá về công dụng sản phẩm. Do đó, đơn vị sẽ có chương trình tập huấn cho tất cả các chủ thể có nông sản cần bán để tham gia mở shop, cũng như cách thức xử lý, khắc phục các lỗi vi phạm.

Theo số liệu thống kê của Metric trên 5 sàn TikTok Shop, Shopee, Lazada, Sendo và Tiki, ngành thương mại điện tử tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 có doanh số 143,9 nghìn tỉ đồng và sản lượng đạt 1,533 tỉ sản phẩm. Trong đó, TikTok Shop được ghi nhận là sàn có mức tăng trưởng vượt trội hơn cả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn