MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nông dân xã Tri Phú (Chiêm Hoá, Tuyên Quang) ứng dụng đề tài nghiên cứu khoa học vào trồng và chế biến các sản phẩm đỗ đen lòng xanh.Ảnh: văn tùng

Nông dân miền núi bắt nhịp với tư duy sản xuất mới

Nguyễn Văn Tùng LDO | 15/08/2023 06:32

Khi người nông dân miền núi làm quen với các phương thức trồng trọt, chăn nuôi mới sẽ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà từ đó tư duy sản xuất được thay đổi, bắt nhịp với khoa học công nghệ.

Từ năm 2017, anh Nguyễn Mạnh Thắng, xã Trung Yên (Sơn Dương, Tuyên Quang) đã ứng dụng công nghệ tưới phun mưa cho chè. Nước từ các van xoay phun mưa đều trên lá, trên luống chè như cơn mưa tự nhiên.

Phương pháp này hiệu quả nhất đối với thời điểm ít mưa, chè trồng trên nương, đồi cao, giúp người trồng có thể chủ động về nước cũng như quá trình sinh trưởng của cây.

Nhờ được tưới phun mưa nên cây chè cho năng suất cao hơn hẳn, đạt 90 - 100 tấn/ha/năm, tăng 20% năng suất, đồng thời tiết kiệm được 30% lượng nước tưới và giảm 30% chi phí chăm sóc. Thời gian bón phân, phun thuốc cho cây được chủ động, chất lượng chè tốt và ổn định, cho thu hoạch quanh năm.

Anh Thắng chia sẻ: “Trồng theo phương pháp này, cây chè có thể cho thu hoạch đến cả mùa xuân, chè trái vụ nên giá bán cao hơn. Theo kiểu truyền thống, việc tưới chè chủ yếu được thực hiện qua việc dùng máy bơm áp lực, không đảm bảo được cường độ, không tưới được đều, vừa lãng phí nước, vừa bị rửa trôi phân bón”.

Kể từ khi tham gia dự án “Ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ quản lý hiệu quả chất thải chăn nuôi lợn”, gia đình anh Ma Văn Toán xã Trung Hà (Chiêm Hoá, Tuyên Quang) được chuyển giao kỹ thuật về cách phối trộn khẩu phần ăn cân bằng dinh dưỡng hoàn chỉnh cho lợn, vaccine tiêm phòng, cách xử lý chất thải bằng hệ thống máy tách phân hiện đại và ủ phân theo công nghệ Nhật Bản - VCN.

Cũng nhờ đó mà chi phí thức ăn cho đàn lợn đã được tiết giảm hơn khá nhiều so với trước, trong khi thời gian từ lúc nuôi đến xuất chuồng vẫn được giữ nguyên.

Theo anh Toán, hiện nay gia đình đang áp dụng công thức 1.000 - 1.500 đồng/kg thức ăn, đàn lợn hơn 150 con lớn nhanh đạt khối lượng từ 110 - 120 kg/con, sức đề kháng tốt mà chất lượng thịt thơm, ngon.

Anh Toán hồ hởi: “Theo phương pháp chăn nuôi mới, thức ăn tiết giảm nên lãi trên mỗi con cũng được gần 2 triệu, cao hơn trước hơn 400 nghìn. Chất thải thì được tách ép cho xuống bể Bioga tạo khí sinh học, sau đó dùng để sản xuất phân bón hữu cơ, đảm bảo vệ sinh môi trường. Nguồn thu nhập từ số phân bón hữu cơ này cũng khá”.

Theo Sở Khoa học & Công nghệ (KHCN) tỉnh Tuyên Quang, trong số các đề tài, dự án được nghiệm thu, số nghiên cứu lĩnh vực nông nghiệp chiếm đến gần 70%. Có thể kể đến như phục tráng giống lạc đặc sản Chiêm Hóa L14, chọn lọc một số giống cam mới có năng suất, chất lượng cao để rải vụ; đề tài khoa học về trồng đỗ đen lòng xanh theo hướng chất lượng cao; nghiên cứu sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm thành công một số loài cá đặc sản.

Ông Nguyễn Đại Thành - Giám đốc Sở KHCN tỉnh Tuyên Quang - cho biết, những giống cây, kỹ thuật mới được thử nghiệm và ứng dụng thực tế đã mang lại giá trị kinh tế cao. Quan trọng hơn là tư duy, nhận thức của người nông dân được thay đổi và mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cũng từ đó mà diện mạo nông nghiệp miền núi, đời sống đồng bào ngày được cải thiện.

Điều này vừa thu hút được nguồn nhân lực trẻ, có chất lượng trong lĩnh vực hoa học kỹ thuật vừa phát huy được những lợi thế vùng miền giúp người nông dân có nguồn cây con chất lượng, đi kèm với phương pháp sản xuất mới, hiệu quả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn