MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nông dân miền Tây bất an trước giá cả vật tư nông nghiệp

Văn Sĩ - Tạ Quang LDO | 17/06/2022 10:59
Đến nay, nông dân của 2 tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu đã cơ bản xuống giống xong vụ lúa hè thu năm 2022. Tuy thời tiết có chút bất lợi do xuất hiện nhiều cơn mưa lớn kèm theo giông gió, tuy nhiên không ảnh hưởng nhiều đến việc xuống giống của nông dân. Nhờ đó, các đồng lúa phát triển khá tốt. Mặc dù vậy, người nông dân vẫn trĩu nặng nỗi lo trước tình trạng giá các loại vật tư nông nghiệp đều tăng cao.

Chúng tôi gặp ông Kim Ngọc Quang, ấp Tú Điền, xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề, Sóc Trăng khi ông vừa bón lót xong ruộng lúa. Người nông dân này cho biết, vụ lúa hè thu này, nhà ông gieo trồng trên diện tích 9 hecta, với 2 giống lúa: Đài thơm 8, RVT. Lúa của ông khoảng 7 ngày tuổi, nhờ gieo sạ ngay thời điểm ít mưa nên lúa lên đều và phát triển tốt.

Nông dân làm đất trước khi xuống giống cho vụ lúa hè thu năm 2022.

Cũng như nhiều nông dân khác, ông Quang khá lo lắng trước tình trạng giá cả vật tư liên tục leo thang trong thời gian gần đây: “Gieo sạ xong thấy lúa lên tốt tươi, tôi cũng mừng. Nhưng tôi cũng rất là lo. Bởi, giá phân bón, thuốc trừ sâu gần đây lên quá cao, vụ lúa này dễ bị thua lỗ lắm.

Ông Kim Ngọc Quang ấp Tú Điền, xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề, Sóc Trăng khi ông vừa bón lót xong ruộng lúa.

Nếu như giá lúa không tăng vào lúc thu hoạch thì coi như mình thua. Như tôi đây, vừa bón lót phân đạm cho lúa, mua 1 bao chỉ có 40 kg thôi mà giá tới 880.000 đồng”, ông Quang bày tỏ.

Cánh đồng lúa tại tỉnh Sóc Trăng.

Nông dân Lê Hoài Trung, xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu cũng cho biết, 20 công lúa hè thu của gia đình nhà anh đến nay đã được 30 ngày tuổi, lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh. Gia đình cũng mới tỉa dặm xong các thửa ruộng trong ngày 15.6 vừa qua.

“Từ khi gieo sạ đến nay, ít xảy ra sâu bệnh nên chưa phải phun xịt thuốc lần nào, tôi có bón 2 lần phân cho lúa. Lúa phát triển tốt mình cũng mừng, nhưng vẫn nặng lo lắm. Mỗi bao phân u rê gần 1 triệu đồng, 1 bao phân đạm hơn 1 triệu 300 nghìn đồng. Rồi tất cả các loại thuốc cũng tăng gấp rưỡi thế này thì nông dân khó mà có lời được từ vụ lúa. Lúa hè thu dễ bị đổ sập, ngập úng nên năng suất thường không cao. Trong khi đó, chi phí bỏ ra lại cao quá”, anh Trung bày tỏ lo ngại.

Chia sẻ với phóng viên, nhiều nông dân ở thị xã Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng) cũng có chung nỗi lo về tác động của giá vật tư nông nghiệp đối với vụ lúa hè thu. Cụ thể, bà con cho rằng, giá lúa mà thương lái hợp đồng bao tiêu vào đầu vụ hè thu khá thấp, với mức từ 5.800 đồng đến 6.500 đồng/kg với các giống lúa như: Đài thơm 8, RVT, ST24.

Nông dân chia sẻ với phóng viên về việc xuống giống vụ lúa hè thu năm 2022.

Trong khi đó, giá tất cả các loại phân, thuốc, xăng dầu bơm tát nước đều tăng giá. Không chỉ vậy, giá thuê nhân công phun xịt thuốc, bón phân cũng tăng lên.

Nếu như tới thu hoạch mà năng suất lúa dưới 800 kg/công coi như chúng tôi không có lời đồng nào từ vụ lúa. Một nông dân ở phường 2, thị xã Ngã Năm cho biết.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng, vụ lúa hè thu năm nay, toàn tỉnh xuống giống khoảng 141.000 hecta. Các giống lúa được gieo trồng chủ lực là: OM18, Đài thơm 8, RVT, OM5451, ST24. Các trà lúa mới gieo sạ đến 15 ngày tuổi.

Cánh đồng lúa tại tỉnh Sóc Trăng.

Còn tại Bạc Liêu, ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NNPTNT cho biết, tỉnh có tổng diện tích gieo sạ hơn 56.000 hecta, lúa từ 20 đến 30 ngày tuổi, đang trong giai đoạn đẻ nhánh. “Để giúp nông dân giảm chi phí đầu tư trong thời buổi giá vật tư tăng cao như hiện tại, chúng tôi chỉ đạo các bộ phận chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền hướng dẫn cho bà con nông dân áp dụng giải pháp canh tác thông minh, giảm phân bón, giảm thuốc trừ sâu.

Đồng thời sản xuất tập trung, gieo sạ đồng loạt, mở rộng cửa hàng cung ứng vật tư không qua trung gian với giá sát nhất đến nông dân, cùng với đó là đẩy mạnh liên kết tiêu thụ, thu mua lúa với giá cả ổn định để bà con yên tâm canh tác”, ông Lưu Hoàng Ly thông tin thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn