MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Buổi livestream bán sản phẩm của người nông dân trồng chè HTX Tâm Trà Thái, Tân Cương, Thái Nguyên. Ảnh: P.Q

“Nông dân số” trên vùng chè Thái Nguyên

Phong Quang LDO | 07/12/2021 10:06
Thái Nguyên - Vùng chè Tân Cương gần 2 năm qua vắng bóng khách đến tham quan và mua chè nhưng không có nghĩa sản phẩm làm ra ở đây không bán được. Miền chè cổ này đang chuyển mình bắt đầu từ những “nông dân số”.

Livestream bán chè

“Xin chào các bạn, hôm nay tôi đang đứng ở vườn chè trung du cổ nhất nhì đất Tân Cương, gốc chè cao tuổi sẽ cho hương vị trà rất đặc trưng...” đó chỉ là một đoạn rất ngắn trong cuộc giới thiệu về cây chè cũng như các sản phẩm chè trực tuyến của chị Hoàng Thị Tân (HTX Tâm Trà Thái, Tân Cương).

Vốn được biết đến như một “trà nương” của đất trà Tân Cương với sự am hiểu về văn hoá trà Việt và kỹ năng pha trà, nay chị Tân còn có thêm danh hiệu “tay livestream”.

Chị Tân chia sẻ: “Chè Tân Cương có tiếng từ nhiều đời nay, tôi tự hỏi, tại sao mình lại không đưa những cái thật nhất của cuộc sống, những công việc hằng ngày vẫn làm lên mạng xã hội để nhiều người biết đến. Dịch COVID-19 cho tôi thêm quyết tâm để làm việc đó”.

Chỉ với chiếc đèn led hỗ trợ livestream và một chiếc điện thoại thông minh, những hình ảnh chân thực từ vùng chè Tân Cương cùng lúc đến trực tiếp với hàng chục nghìn người trên khắp mọi miền.

Công việc chăm sóc, thu hái, chế biến trà thân thuộc hằng ngày, hay những chia sẻ về thăng trầm của nghề làm chè trên miền đất cổ mang đậm hơi thở cuộc sống của người Tân Cương đã mang lại sự thú vị, đầy cảm hứng đối với người xem trực tuyến. 

Chị Tân cho biết, trước đây khách hàng phải đến trực tiếp tham quan, nghe chia sẻ, giới thiệu về quy trình làm chè Tân Cương. Nhưng nay nhờ công nghệ, chỉ ngồi ở nhà cũng có thể truyền hình ảnh, thông điệp đến với khách hàng toàn quốc, thậm chí qua zoom còn tới được khách hàng trên thế giới.

Tuy vậy, để có được lượng người theo dõi cũng như kỹ năng bán hàng trực tuyến như hiện tại, với chị Tân và nhiều người làm chè trên vùng đất Tân Cương này, là cả một quá trình dài.

Nhớ lại những buổi đầu livestream bán hàng trực tuyến, chị Tân nghĩ mình không thể làm tiếp: “Ban đầu thiếu tự tin đứng trước ống kính lắm chứ, vì đã làm bao giờ đâu. Rồi kỹ năng khi quay để hình rõ nét nhất, có lúc đang quay thì máy hết pin, mất wifi... và vô vàn những sự cố khác”.

Thật may, những lớp học về chuyển đổi số của ngành nông nghiệp đã mang lại cho người nông dân nơi đây cơ hội mới. Sau giờ sản xuất, các thành viên HTX tranh thủ tham gia lớp học bán hàng trực tuyến. Họ được trang bị kỹ năng giới thiệu sản phẩm và tương tác với khách hàng online.

Thay đổi tư duy

Trước xu thế mới, người nông dân cũng phải trở thành những công dân số. Làm nhiều rồi cũng thành quen, giờ đây việc đứng trước ống kính giới thiệu sản phẩm như một người dẫn chương trình chuyên nghiệp đã không còn là vấn đề khó. Và chính sự giản dị, chất phác của những người “nông dân số” lại được khách hàng và người xem yêu mến.

Chị Nguyễn Thị Mỵ - thành viên HTX Tâm Trà Thái - hồ hởi khoe: “Già như tôi đây cũng lên hình bán chè được, tiện quá các chú ạ. Năm nay, năm ngoái, dịch bệnh như thế nhưng sản phẩm của chúng tôi vẫn đến tay được người tiêu dùng nhờ thông qua bán hàng trực tuyến”.

Theo Đào Thanh Hào - Giám đốc HTX chè Hảo Đạt cho biết, với sự trợ giúp của công nghệ đầu ra cho nông sản của các HTX, doanh nghiệp đã cơ bản được giải quyết. Cả vùng chè Tân Cương rộng lớn với cả nghìn tấn mỗi tháng đã đến tay người tiêu dùng qua các kênh thương mại điện tử.

“Các thành viên HTX đã làm quen và từng bước làm chủ được cách bán hàng trên mạng. Nhờ quảng bá trên các sàn thương mại thì trong lúc dịch bệnh HTX vẫn vượt qua, mặc dù không được như lúc trước nhưng doanh số giảm không đáng kể” - Bà Hào thông tin thêm.

Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thái Nguyên, ông Phạm Văn Sỹ  cho biết, cái được nhất là thay đổi được tư duy cho người nông dân. Nếu như trước, chuyển đổi số là một thứ gì đó to tát thì nay người dân đã hiểu được tầm quan trọng của nó và áp dụng vào thực tế.

Từ việc bán hàng trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội, rồi qua các kênh thương mại điện tử, người nông dân đã tiếp cận được nhiều mối hàng. Cách thức bán hàng truyền thống, bó hẹp đã dần được thay thế.

Mặc dù vậy, ông Sỹ vẫn khẳng định: “Sàn giao dịch thương mại điện tử chỉ là công cụ hỗ trợ. Để tạo được uy tín, thương hiệu thì chất lượng sản phẩm vẫn là yếu tố cốt lõi. Đây cũng là bài toán chung của nhiều mặt hàng nông sản tại Thái Nguyên”.

Tính trong năm 2020, giá trị sản xuất chè của Thái Nguyên cho về gần 5.600 tỉ đồng, bình quân đạt 270 triệu đồng/ha chè. Thị trường trong nước đang là thế mạnh của chè Thái Nguyên với gần 40.000 tấn tiêu thụ mỗi năm.

Hiện, nông nghiệp là một trong 5 lĩnh vực then chốt được ưu tiên triển khai chuyển đổi số, thực tế Thái Nguyên đã xây dựng cả một Nghị quyết về chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Việc này được kỳ vọng giúp người nông dân thay đổi về tư duy, sẵn sàng tiếp cận các giải pháp công nghệ, khoa học kỹ thuật mới trong trồng trọt và chăn nuôi, trong quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn