MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nông dân Sóc Trăng thu về 150 triệu đồng/2 công mãng cầu gai

Văn Sỹ LDO | 10/04/2023 09:23

Từng chỉ để trồng được cây tạp, những khoảng vườn ở vùng đất bị nhiễm phèn, mặn ở xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng, giờ chuyên trồng mãng cầu gai. Sản xuất theo mô hình kinh tế tập thể, 45 hộ nông dân là thành viên Hợp tác xã mãng cầu gai Kiên Hòa thu về từ 150 đến 200 triệu đồng/mảnh vườn trên dưới 2.000m2. 

Là một trong những người tiên phong trồng mãng cầu gai ở ấp Vĩnh Kiên, xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm, ông Lê Bảo Xuyên cho biết, không chỉ riêng ông mà hàng chục nông dân trồng loài cây này cũng chung cảnh lao đao trong mấy năm trước. 

 Ông Lê Bảo Xuyên thu hoạch mãng cầu gai. Ảnh: Văn Sỹ

Theo ông Xuyên, nông dân khu vực này bắt đầu trồng nhiều mãng cầu gai từ năm 2010 đến 2015. Theo đó, khoảng 2 năm 2016 đến 2018 các vườn cây cho trái rộ. Cũng thời điểm này, do chưa có đầu ra ổn định, trái mãng cầu gai thường rớt giá và khó tiêu thụ. 

 Ông Lê Bảo Xuyên (bìa phải) chia sẻ kinh nghiệm trồng mãng cầu gai cho nông dân địa phương. Ảnh: Văn Sỹ

"Trước đây, nhiều vườn mãng cầu đến mùa thu hoạch trái do không có đầu mối thu mua với số lượng lớn nên phải bỏ mối cho mấy chỗ bán nhỏ lẻ, hoặc trực tiếp bán lẻ với giá từ 10.000 đến 12.000 đồng/kg. Nhưng do số lượng trái thu hoạch được từ 5 đến 6 tấn trái/vụ nên xảy ra tình trạng bán đổ, bán tháo. Cũng từ đó, một số chủ vườn chế biến trà mãng cầu để có thể giải quyết phần nào tình trạng ùn ứ mãng cầu. Nhận thấy tình hình trên, tôi đã tìm đầu mối tiêu thụ trái mãng cầu thương phẩm và một số sản phẩm như trà mãng cầu, kẹo mãng cầu, rượu mãng cầu...

 Vườn mãng cầu gai của nông dân ấp Vĩnh Kiên, xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng). Ảnh: Văn Sỹ

Sau thời gian vừa làm vừa tìm kiếm thị trường, đến năm 2020, chúng tôi đã vận động thành lập Hợp tác xã và phát triển bền vững đến nay. Hiện tại Hợp tác xã mãng cầu gai Kiên Hòa có 45 thành viên trồng với diện tích trên gần 20 ha.

Hợp tác xã bao tiêu đầu ra trái mãng cầu tùy theo từng vụ, nhưng đảm bảo giá cao hơn giá thị trường từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg. Trung bình mỗi hộ có lãi từ 70 triệu/1 công vườn", ông Xuyên cho biết.

 Cây mãng cầu gai mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều nông dân thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng). Ảnh: Văn Sỹ

Ông Đặng Văn Gởi, thành viên Hợp tác xã mãng cầu gai Kiên Hòa cho biết, gia đình trồng gần 2 công mãng cầu gai từ năm 2014 và đến năm 2018 thu hoạch trái. 

"Ban đầu, khi chưa có Hợp tác xã, tôi tự bán trái cho thương lái và cũng có bán lẻ, giá không ổn định. Tuy nhiên, đến giữa năm 2020, có Hợp tác xã Kiên Hòa bao tiêu với giá 15.000 đồng/1kg thì vườn nhà tôi có lời cao hơn và không phải lo bán rẻ như trước.

 Lãnh đạo Hội Nông dân thị xã Ngã Năm tham quan mô hình trồng sầu riêng ở ấp Vĩnh Kiên, xã Vĩnh Quới. Ảnh: Văn Sỹ

Trung bình, gần 2 công mãng cầu, gia đình tôi bán mỗi năm được 150 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, có lời khoảng 130 triệu đồng. So với trồng lúa, trồng mãng cầu gai có lời nhiều hơn từ 6 đến 7 lần. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả kinh tế, người trồng phải có liên kết bao tiêu đầu ra ổn định, chứ không nên trồng nhỏ lẻ sẽ khó bán", ông Gởi chia sẻ thêm.

"Không riêng Hợp tác xã mãng cầu gai Kiên Hòa, mà một số hợp tác xã nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn đều mang lại hiệu quả bền vững. Trong đó, vai trò dễ nhận thấy nhất là các hợp tác xã giải quyết được đầu ra nhờ vào việc ký kết với các đầu mối thu mua nông sản, sản phẩm.

Trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh phối hợp cùng các địa phương, Liên minh Hợp tác xã tỉnh để rà soát, vận động thành lập thêm các hợp tác xã đối với một số mô hình sản xuất của hội viên nông dân để hướng đến phát triển bền vững, phù hợp với xu hướng hiện nay", ông Nguyễn Văn Thạo, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Ngã Năm cho biết thêm. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn