MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nông dân Tiền Giang ước mơ đổi đời bằng trái sầu riêng

Thành Nhân LDO | 12/02/2024 06:36

Từ sau khi trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc từ tháng 10.2022, giá mua sầu riêng được nâng lên, các nhà vườn lãi cao và phấn khởi. Hiện nay, các nông dân trồng loại cây khác đã chuyển đổi sang trồng sầu riêng với mong muốn thay đổi đời sống bằng loại trái này.

Thay đổi đời sống nhờ trái sầu riêng

Một ngày đầu tháng 2.2024, chúng tôi đến xã Phú An (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), một trong những vùng trồng sầu riêng lớn nhất huyện Cai Lậy. Ông Võ Chí Sắc (ngụ ở ấp 2, xã Phú An) cho biết, gia đình ông có 3 công trồng sầu riêng với 66 cây. Sau khi trừ đi hết chi phí mỗi vụ lãi khoảng 500 triệu đồng. Nhờ cây sầu riêng mà vợ chồng ông đã cất nhà mới khang trang, nuôi con học đại học ở TPHCM…

Ông Lê Văn Phước Lạc - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Phú An (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho biết, hợp tác xã có khoảng 325 hecta trồng sầu riêng. Sầu riêng được xem là loại cây "vua" trong các loại cây ăn trái ở tỉnh Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung. Bởi giá trị kinh tế mà loại cây này mang lại là rất lớn. Nhiều người dân ở đây đã trở nên khấm khá cũng nhờ cây sầu riêng.

Trái sầu riêng giúp nông dân vươn lên khá, giàu. Ảnh: Thành Nhân

Ông Võ Văn Men - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Tiền Giang - cho biết, diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện khoảng 22.000 ha, tập trung nhiều nhất ở 2 huyện Cái Bè và Cai Lậy. Vùng đất ở Tiền Giang thích hợp để trồng sầu riêng. Với giá cả hiện nay, doanh thu từ loại cây này đang mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân.

Làn sóng chuyển sang trồng sầu riêng

Ông Võ Văn Mỹ (ấp 6, xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho biết, gia đình ông gắn bó với cây lúa nhiều năm nhưng lợi nhuận không cao. Khi được rủ trồng loại cây này, ông đã chuyển diện tích 7.000 m2 đất lúa sang trồng sầu riêng. Trong đó, khoảng 2.500 m2 đã trồng sầu riêng được 4 năm, diện tích còn lại cũng đã trồng được 19 tháng.

Chị Lê Thị Hiệp (ngụ ở ấp 2, xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho biết, trước kia gia đình nuôi cá. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Do đó, gia đình đã quyết định chuyển khoảng 2 ha để trồng sầu riêng. “Lý do tôi chọn trồng loai trái cây này vì mang lại lợi nhuận rất cao. Qua đó, hy vọng sẽ thoát cảnh nghèo khó“, chị Hiệp nói.

Chị Lê Thị Hiệp (ngụ ở ấp 2, xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) chuyển đổi sang trồng sầu riêng. Ảnh: Thành Nhân

Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Tiền Giang Võ Văn Men cho hay, từ năm 2022, diện tích trồng loại cây này đã vượt so với quy hoạch, nếu phát triển mạnh quá, diện tích trồng nhiều sẽ tác động đến vấn đề tiêu thụ.

"Ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang cũng có đề nghị các địa phương rà soát lại diện tích, trên cơ sở đó sẽ thực hiện điều chỉnh cho phù hợp với thực tế", ông Men nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn