MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nông dân trồng dâu tằm Hà Nội gặp khó trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm

HOA LỆ LDO | 04/04/2023 20:38

Hà Nội - Theo lãnh đạo xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ), cây dâu tằm đem lại hiệu quả kinh tế khá tốt cho nông dân, tuy nhiên chính quyền địa phương vẫn khuyến cáo, song song với việc phát triển giống cây này, người dân cũng cần phải tìm đầu ra cho sản phẩm.

Bà Trương Thị Thanh (hộ dân canh tác dâu tằm lâu năm tại xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) - cho biết, cây dâu được người dân đưa về trồng ở đất này từ 7 năm trước, do hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa nên cây dâu tằm được nhiều người dân tại xã lựa chọn để thâm canh.

Bà Thanh bận rộn thu hoạch khi mùa dâu tằm đang vào vụ. Ảnh: Hữu Chánh

Theo bà Thanh, dâu tằm dễ trồng hơn nhiều so với cây đậu tương, lạc, mía... Vì chất đất ở đây có lượng phù sa sông Đáy giàu dinh dưỡng. Chi phí lớn nhất khi canh tác dâu là phân bón, trung bình mỗi sào phải đầu tư khoảng 1 - 2 triệu đồng.

"Người nông dân vất vả chăm sóc cả năm để đợi đến mùa thu hoạch vào tháng 3 âm lịch. Dâu được thu hoạch trong vòng 1 tháng là hết mùa" - bà Thanh nói.

Dâu tằm được nông dân thu hoạch trong vòng 1 tháng. Ảnh: Hoa Lệ
Vườn dâu tại xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ khô héo, mất mùa do thời tiết thất thường. Ảnh: Hoa Lệ

Vườn dâu khô héo, mất mùa do thời tiết thay đổi thất thường. Dâu thích hợp với khí hậu ấm áp, nếu có sương muối thì cả vườn dâu sẽ khô héo, cháy cây và không thu hoạch được.

Người dân thường thu hoạch dâu khi trời hửng nắng từ 7h30 đến 11h30 lúc sương đã ráo, để dâu không bị đọng sương và bảo quản được lâu hơn.

Nông dân vất vả thu hoạch dâu từ sớm để kịp chuyển hàng cho thương lái. Ảnh: Hoa Lệ

Theo bà Thanh, cả ngày thu hoạch dâu nhưng giá không cao, trung bình mỗi ngày chỉ khoảng vài trăm nghìn đồng. 

Chủ vườn dâu cho biết, do thời tiết thất thường, có vườn được mùa nhưng có vườn lại mất trắng, giá dâu tại vườn hiện nay chỉ dao động từ 12.000 đồng đến 15.000 đồng.

Tuy giá có nhỉnh hơn mọi năm một chút nhưng cũng không quá cao. Bên cạnh đó, việc khó tìm đầu ra cho sản phẩm cũng là một trong những trăn trở của người dân trong những năm qua.

"Người dân chủ yếu bán nhỏ lẻ cho các thương lái ở chợ, đầu ra không ổn định, phụ thuộc lớn vào thị trường. Có những thời điểm thương lái không thu mua hoặc thu mua rất ít, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân" - bà Thanh nói.

Do thời tiết thất thường dẫn đến khan hiếm hàng, giá dâu năm nay nhỉnh hơn. Ảnh: Hoa Lệ

Chị Đinh Thị Thủy (37 tuổi, tiểu thương ở Hà Nội) - cho biết, trung bình mỗi ngày, chị thu mua khoảng vài tạ dâu để chuyển đi bán.

Năm nay dâu không được mùa như mọi năm, 10 nhà trồng dâu thì chỉ có 5 nhà được nên giá dâu nhỉnh hơn. Giá dâu bán lẻ tại các chợ và quận nội thành Hà Nội từ 25.000 đến 45.000 đồng/kg. 

Chị Thủy cẩn thận chọn dâu để đóng hàng cho thương lái. Ảnh: Hoa Lệ

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Xuân Tâm - Chủ tịch UBND xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) - cho biết, hiện nay trên địa bàn xã, có khoảng 50 hộ dân canh tác với 10 ha trồng cây dâu tằm.

Trước đây, ở địa phương đã từng trồng dâu tằm nhưng để lấy lá nuôi tằm, sau thời gian mai một, cây dâu tằm chỉ còn được dùng làm hàng rào. Những năm trở lại đây ở xã Hiệp Thuận, cây dâu tằm được người dân canh tác tại ruộng để lấy quả.

Ông Tâm cũng cho biết thêm, cây dâu tằm đem lại hiệu quả kinh tế khá tốt cho nông dân, tuy nhiên chính quyền địa phương vẫn khuyến cáo người dân, song song với việc phát triển giống cây này, người dân cũng cần phải tìm đầu ra cho sản phẩm.

Định hướng cho người làm nghề trồng cây dâu tằm trong thời gian tới, ông Tâm thông tin, xã đang kêu gọi đầu tư để phát triển mô hình du lịch trải nghiệm và tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm, khi ấy xã sẽ xây dựng phương án phát triển theo nhu cầu tiêu thụ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn