MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dưa hấu tròn chưng Tết của bà con xã Đông Thái, huyện An Biên đã được thương lái thu mua, cọc hết vườn. Ảnh: Nguyên Anh

Nông dân trúng mùa dưa hấu, bán sạch hết vườn

NGUYÊN ANH LDO | 06/02/2024 08:53

Mùa dưa hấu Tết năm nay, nông dân huyện An Biên (Kiên Giang) vừa trúng mùa lại bán được giá, các hộ trồng đều đã được thương lái thu mua hết vườn. Thu nhập khá, bà con vui Tết sung túc hơn.

Thương lái cọc sẵn hết vườn

Đến các rẫy dưa hấu tại xã Đông Thái, huyện An Biên vào những ngày giáp Tết là cảnh đẹp mắt của những trái dưa hấu to tròn sắp thu hoạch. Từ sáng sớm, bà con nông dân đã tranh thủ có mặt tại rẫy để tưới nước, chăm sóc dưa.

Có hơn 10 năm gắn bó với nghề trồng dưa hấu Tết, anh Lê Văn Lâm cho biết, trồng dưa hấu tròn chưng Tết khó về kỹ thuật và nặng công chăm sóc. Ngoài xử lý tránh sâu bệnh hại thì cần có kinh nghiệm quản lý lượng nước, phân bón để trái không bị méo.

Chăm sóc, tưới nước cho dưa hấu. Ảnh: Nguyên Anh

“Dưa hấu chưng Tết khó nhất là khi úp nụ cho đến trái chuyển màu xanh, người trồng phải có kỹ thuật cao thì trái mới đạt tỉ lệ tròn đều và được thương lái thu mua với giá cao”, anh Lâm chia sẻ.

Dưa Tết khá cực công chăm sóc, tưới nước mỗi ngày. Vụ này gia đình anh Lâm trồng 2 công dưa hấu tròn vỏ đen, từ giữa tháng chạp âm lịch thì đã bán mão hết cho thương lái. 1 công với giá khoảng 45 triệu đồng còn lại 1 công anh Lâm để bán lẻ.

“Mọi năm theo giá bình ổn là 25.000 đồng/kg, nếu dưa đạt trọng lượng từ 10 kg trở lên thì 1 cặp bán với giá 500.000 đồng. Dù cực hơn và cũng có nguy cơ ôm rủi ro bán không hết nhưng bán lẻ có thể thu lãi cao hơn gấp đôi so với bán sỉ. Với 2 công dưa hấu, năm nay anh cầm chắc lãi hơn 50 triệu đồng.

Chuyển đổi cây trồng cho hiệu quả bất ngờ

Nhiều bà con ở xã Đông Thái, huyện An Biên đã chuyển sang nuôi tôm vì đất bị xâm nhập mặn. Do vậy, diện tích trồng dưa hấu Tết cũng giảm so với những năm trước. Trong tổng số 13 ấp của xã, duy nhất còn ấp Phú Lâm có điều kiện thích hợp để trồng dưa hấu Tết.

Theo ông Lê Thanh Thắng – Trưởng ấp Phú Lâm, hiện nay trên địa bàn ấp có 73 hộ trồng dưa hấu Tết trên diện tích 12 ha. Giống dưa tròn, vỏ xanh đen này là truyền thống từ lâu, bà con đa phần tự trồng ở vụ mùa này, chọn trái ưng nhất để giống và gieo trồng cho vụ mùa Tết năm sau.

Ngoài ra, một số ít hộ trồng giống dưa tròn có vỏ màu vàng theo thị hiếu thị trường.

Dưa hấu tròn chưng Tết có màu vàng khá bắt mắt. Ảnh: Nguyên Anh

Những nông dân gắn bó với nghề trồng dưa Tết thường có ít ruộng đất sản xuất hoặc không có đất nên nhiều hộ phải thuê đất. Tùy theo năng suất và hình thức bán sỉ cho thương lái hoặc bán lẻ tại chợ thì nông dân có thể thu về lợi nhuận từ 25 triệu đồng trở lên.

Bà Nguyễn Thị Nhanh – Chủ tịch Hội nông dân xã Đông Thái, huyện An Biên cho biết, mô hình trồng dưa hấu Tết đã phát triển trên địa bàn xã Đông Thái gần 20 năm qua và duy trì cho đến ngày nay. Do đầu ra ổn định và mang lại giá trị kinh tế cao nên nhiều bà con nông dân rất an tâm sản xuất.

Bà Nhanh lý giải, sau khi thu hoạch xong vụ dưa hấu Tết, bà con sẽ cải tạo đất, trồng thêm 1 vụ dưa hấu thái trái dài hoặc dưa hoàng kim. Đến khi mưa xuống mới làm đất gieo sạ lúa. Với cách làm này, nông dân làm được 3 vụ sản xuất trong năm gồm 2 vụ màu và 1 vụ lúa, thay đổi tập quán sản xuất độc canh cây lúa, hạn chế được mầm bệnh phát sinh và lan truyền qua các vụ.

Vụ dưa hấu Tết năm nay, bà con trồng dưa có lãi khá cao. Ảnh: Nguyên Anh

“Mô hình này giúp nông dân nâng cao giá trị kinh tế, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng và tận dụng cơ hội từ biến đổi khí hậu. Đời sống của nhiều hội viên nông dân ấp Phú Lâm phát triển đáng kể, bà con nông dân trúng mùa, được giá, ăn tết sung túc hơn”, bà Nhanh chia sẻ.

Dù không phải là cây trồng thế mạnh và chủ lực của An Biên nhưng từ lâu dưa hấu chưng Tết đã trở thành sản phẩm đặc trưng của ấp Phú Lâm, xã Đông Thái. Từ việc phát triển và gắn bó với nghề trồng dưa hấu chưng Tết đã giúp bà con nông dân nâng cao lợi nhuận kinh tế và ăn tết vui hơn, đủ đầy hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn